TĐKT - Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, nổi bật là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, nhân nghĩa, bao dung, cần cù, sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất. Truyền thống đó đang tiếp tục được phát huy và tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
TĐKT - Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, nổi bật là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, nhân nghĩa, bao dung, cần cù, sáng tạo và ý chí kiên cường, bất khuất. Truyền thống đó đang tiếp tục được phát huy và tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Ngày mai 15.1, Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Lê Quang Sung, hạt giống cách mạng đầu tiên trên mảnh đất Duy Xuyên. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Duy Xuyên, đặc biệt là tuổi trẻ có dịp tìm hiểu, học tập tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Quang Sung.
Đồng chí Lê Quang Sung (tên thật là Lê Đắc Thiềm, bí danh Lê Hoàn) sinh năm 1908, tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Năm 1924, khi đang học tại Trường Quốc học Huế, Lê Quang Sung đã cùng nhiều học sinh ở Nhà hội Quảng Nam tại Huế tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước. Sau đó bị đuổi học, đồng chí cùng với hai anh em Đỗ Quang, Đỗ Quỳ về Đà Nẵng thành lập Ban vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 1928, đồng chí được cử đi học lớp huấn luyện do Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên mở ở Thái Lan. Sau 3 tháng huấn luyện, đồng chí trở về Đà Nẵng mở lớp huấn luyện chính trị đầu tiên, trực tiếp soạn nội dung và giảng bài, lo mọi mặt hoạt động của lớp. Để có tài liệu tuyên truyền, đồng chí Lê Quang Sung cùng Đỗ Quỳ in lại hàng trăm cuốn “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trước sự truy lùng gắt gao của địch, năm 1929, đồng chí Lê Quang Sung cùng Đỗ Quỳ chuyển vào Sài Gòn. Nhân có chủ trương “vô sản hóa”, đồng chí xin vào làm việc cho Hãng FACI - một hãng sửa chữa tàu biển có hàng nghìn công nhân. Tại đây, đồng chí tổ chức Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được cử vào Công hội đỏ của hãng. Nhận rõ trách nhiệm của mình, đồng chí luôn luôn tuyên truyền giác ngộ và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho anh em công nhân nên được tín nhiệm cao. Sau đó, đồng chí được mời họp để nghe đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư Kỳ bộ Nam kỳ phổ biến chủ trương của Kỳ bộ chuyển Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành An Nam Cộng sản Đảng. Với sự có mặt ở hội nghị này, đồng chí Lê Quang Sung được xem là một trong những người đầu tiên gia nhập An Nam Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là người tham gia thành lập Tổng Công hội đỏ Nam kỳ, làm Chánh Thư ký.
Tháng 11.1930, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy, đồng chí Lê Quang Sung chủ trì hội nghị thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn. Hội nghị cử ra Ban Chấp ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn gồm 5 người do đồng chí Lê Quang Sung làm Bí thư. Đầu năm 1931, đồng chí bị bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Huỳnh Quảng (tức Trần Não), Nguyễn Thị Nhỏ... Nhằm đánh mạnh vào tinh thần cách mạng của quần chúng và bôi nhọ Đảng ta, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình công khai tại Sài Gòn từ ngày 2 đến ngày 7.5.1933 xét xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có các đồng chí Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung... Chúng gọi đó là “Vụ án Đảng cộng sản Đông Dương”. Chúng đã tuyên án 8 người tử hình, trong đó có Lê Quang Sung... với tội danh “giết người, làm loạn”.
Vụ án trên đây đã được báo chí bấy giờ đưa tin, bình luận làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Ở Pháp, các luật sư tiến bộ, trung thực tố cáo nhà cầm quyền tùy tiện làm sai luật của nước Pháp và bênh vực các bị cáo. Họ phát biểu trên báo, trực diện với Bộ trưởng thuộc địa, đòi phải xét lại các bản án. Đảng Cộng sản Pháp mở cuộc vận động đòi hủy bỏ án tử hình cho đồng chí Lê Quang Sung và những người khác. Do đó, nhà cầm quyền Pháp buộc phải giảm án đã tuyên tại tòa tháng 5.1933 cho hàng loạt người, trong đó đồng chí Lê Quang Sung từ tử hình xuống chung thân.
Đầu 1934, đồng chí Lê Quang Sung cùng các đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp... bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí Lê Quang Sung sinh hoạt ở Chi bộ khám Chỉ Tồn với các đồng chí Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Đồng chí Lê Quang Sung đã cùng anh em tù chính trị tổ chức và luôn hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh, kể cả cuộc đấu tranh trên lĩnh vực lý luận để thống nhất quan điểm.
Cuối năm 1934, chi bộ tổ chức cho đồng chí Lê Quang Sung, Ngô Gia Tự, Tô Chấn cùng một số người khác vượt đảo về đất liền tiếp tục hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng. Chuyến đi được chuẩn bị công phu, nhưng cuộc vượt ngục sau đó không thành công, Lê Quang Sung cùng các đồng chí của mình đã mãi mãi nằm trong lòng biển cả vào mùa xuân năm 1935.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Sung tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của ông với phong trào cách mạng trong những buổi đầu gieo hạt trên mảnh đất xứ Quảng, đặc biệt là đối với phong trào công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn là vô cùng to lớn. Ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường bất khuất của đồng chí Lê Quang Sung mãi mãi là tấm gương, niềm tự hào và là ngọn lửa cách mạng luôn bừng cháy để các thế hệ thanh niên trên mảnh đất Duy Xuyên học tập và noi theo.