Chiến Tranh Châu Á Thái Bình Dương

Chiến Tranh Châu Á Thái Bình Dương

Đồng Minh Từ 1937: Trung QuốcTừ 1941: Hoa Kỳ

Đồng Minh Từ 1937: Trung QuốcTừ 1941: Hoa Kỳ

Nhật Bản phản công trên đất liền châu Á - Đồng Minh giành lại Miến Điện và Borneo

Mùa xuân năm 1944, đường giao thông trên biển của Nhật Bản đến các quốc gia vùng Đông Nam Á đã bị không quân và hải quân Đồng Minh phong tỏa. Bộ tổng tư lệnh Nhật Bản quyết định sử dụng con đường lục địa thay thế cho đường biển. Con đường bộ này qua eo biển Triều Tiên, nối liền Nhật Bản với Triều Tiên, Mãn Châu, xuyên suốt lãnh thổ Trung Quốc từ Bắc đến Nam tới Đông Dương, qua Thái Lan, Mã Lai và Singapore, rồi qua eo biển Malacca tới Indonesia. Tuy nhiên, con đường này đã bị đứt đoạn tại một số tỉnh thuộc vùng Hoa Trung và Hoa Nam vẫn do quân Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát. Bởi vậy, bộ tư lệnh Nhật quyết định mở chiến dịch Ichi-Go nhằm đánh chiếm các tỉnh này. Nhiệm vụ chủ yếu của chiến dịch này là chiếm đóng các sân bay Mỹ và 3 tuyến đường sắt quan trọng tại đây.

Đêm 17 tháng 4, sư đoàn bộ binh 37 của Nhật vượt sông Hoàng Hà, mở đầu chiến dịch tấn công. Quân Trung Hoa trở nên bạc nhược sau mấy năm hưu chiến và bị ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền Nhật nên tan rã nhanh chóng. Trong khi đó, ngày 5 tháng 6, tướng Claire Lee Chennault cho máy bay B-29 xuất phát từ Thành Đô ném bom Bangkok và đến ngày 15 là thành phố Yawata trên đảo Kyushu.

Nhưng mọi hoạt động của không quân Mỹ cũng không cứu được tình thế Trung Hoa. Ngày 18 tháng 6, Trường Sa thất thủ. Ngày 29 tháng 6, đến lượt Hành Dương cũng thất thủ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa dân quốc Hà Ứng Khâm đã ra lệnh xử bắn nhiều tướng lĩnh chịu trách nhiệm về thất bại này.[137] Đầu tháng 8, quân Nhật tiếp tục tấn công. Hàng chục binh đoàn Quốc dân Đảng rút chạy không chiến đấu. Tư lệnh quân đoàn 62 và một số sĩ quan cao cấp khác bị xử bắn theo lệnh Tưởng Giới Thạch.

Trước tình hình đó, tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt đã phải cử đặc phái viên Patrick Jay Hurley đến Trung Quốc để thị sát tình hình. Trước khi đến Trung Quốc, Hurley đã ghé qua Moskva và được ngoại trưởng Vyacheslav Molotov cho hay rằng Liên Xô muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Hoa dân quốc và đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, Liên Xô chỉ xem họ là cộng sản "trên danh nghĩa".[138] Hurley quyết định giúp Trung hoa dân quốc củng cố lực lượng và cố gắng liên kết Quốc dân Đảng với Đảng cộng sản. Sau đó, theo yêu cầu của Tưởng, tổng thống Roosevelt cũng triệu hồi tướng Joseph Stilwell về Mỹ và thay bằng tướng Albert C. Wedemeyer.

Ngày 10 tháng 11, sau 2 tháng giao tranh, thành phố Quế Lâm thất thủ. Ngày 26 tháng 11, quân Nhật từ Quảng Đông kéo xuống đã thẳng tiến đến tận biên giới Đông Dương. Như vậy, con đường trên bộ của quân Nhật đã thông suốt và mọi mục tiêu của chiến dịch Ichi-Go đều thành công. Chiến thắng trong cuộc tiến công năm 1944 trên chiến trường Trung Quốc đã cứu vãn phần nào uy danh của quân đội Thiên hoàng đang thảm bại trên hàng loạt chiến trường khác.

Trước tình hình quân Nhật thất bại liên tiếp trên chiến trường Thái Bình Dương, lực lượng Pháp ở Đông Dương theo phái Charles de Gaulle ráo riết hoạt động chờ Đồng Minh đổ bộ lên Đông Dương sẽ nổi dậy chống Nhật. Quân Nhật biết rõ hoạt động của người Pháp nên quyết định hành động trước.

Vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật tấn công Pháp ở Sài Gòn, chiếm Phủ toàn quyền và bắt giữ Toàn quyền. Tại các nơi khác trên lãnh thổ Đông Dương, quân Nhật nhanh chóng làm chủ tình hình, một số ít quân Pháp chạy thoát được sang Trung Quốc.[140] Với sự kiện này, toàn bộ Đông Dương đã trở thành thuộc địa của Nhật.

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Bộ tư lệnh các lực lượng Đồng Minh tại Đông Nam Á (SEAC) do phó đô đốc Anh Louis Mountbatten đứng đầu gồm 750.000 quân, sẵn sàng phản công giành lại tất cả những đất đai đã bị quân Nhật chiếm ở lục địa Đông Nam Á. Cùng với sự vượt trội hơn hẳn về quân số, Đồng Minh có ưu thế tuyệt đối về không quân, chiến xa và các phương tiện cơ giới khác. Trong khi đó, bộ tư lệnh quân Nhật nhận thức được sự yếu kém của mình quyết định cố đánh cầm chừng chờ mùa mưa tới và dự định sử dụng Quân đội Quốc gia Miến Điện của chính phủ Ba Maw do người Nhật dựng lên.[141]

Quân đoàn XV Ấn Độ tiến dọc theo bờ biển tỉnh Arakan, sau cùng đã chiếm được hải cảng Akyab, mục tiêu hai năm về trước họ đã thất bại. Quân đoàn 28 Nhật rút lui không kháng cự, rời khỏi Arakan. Ngày 22 tháng 1, quân Anh chiếm đảo Ramree và hải cảng Cheduba 5 ngày sau đó. Sau khi quét sạch quân Nhật khỏi Arakan, quân Đồng Minh bắt đầu xây dựng các sân bay chuẩn bị cho các trận đánh sắp tới.[142]

Khác với mặt trận Arakan, tại vùng biên giới Trung-Miến gần tỉnh Vân Nam, tập đoàn quân 13 Nhật đã kháng cự rất mãnh liệt.[142] Từ tháng 10 năm 1944, quân Nhật đã tiến đánh trước, đẩy lùi cánh quân của Quốc dân Đảng. Ngày 2 tháng 11, quân Trung Quốc phá được vòng vây và lại bắt đầu phản công. Ngày 25 tháng 1, quân Nhật mất Wanting, buộc phải rời biên giới lui về phía sau. Thế là Đồng Minh kiểm soát hoàn toàn "con đường Ledo" qua Myitkyna, Bhamo, Nankhan đến tận Wanting, giờ đây trở thành "con đường Stilwell".[143] Đầu tháng 2 năm 1945, quân Trung Hoa tràn vào Miến Điện nhằm chiếm phần còn lại của "Con đường Miến Điện" đi sâu vào đất Miến đến tận Lashio. Ngày 9 tháng 3, quân đội Trung Hoa Dân quốc đã đánh chiếm Lashio và con đường Miến Điện từ Lashio qua Wanting, Lungling đến tận Trùng Khánh đã trở về tay Đồng Minh.

Trong khi đó, vào tháng 11 năm 1944, Tập đoàn quân 14 Anh-Ấn do tướng William Slim chỉ huy đã mở cuộc đột phá phòng tuyến quân Nhật trên sông Chindwin. Sau khi Đồng Minh vượt được sông, quân Nhật vội vã rút lui về bờ đông sông Irrawaddy, lập phòng tuyến mới mà trọng điểm chiến lược là cố đô Mandalay.[144] Lực lượng phòng thủ ở đây là Tập đoàn quân 15 đã suy yếu nhiều sau cuộc hành quân thất bại tại Ấn Độ. Trung tướng Heitarō Kimura, tổng tư lệnh mới của quân Nhật tại Miến Điện, hi vọng phòng tuyến này sẽ cản được bước tiến Đồng Minh.

Ngày 1 tháng 3, quân đoàn IV Anh đã chiếm Meiktila, là trung tâm hàng tiếp liệu. Ngày 9 tháng 3, khi quân Trung Hoa tiến vào Lashio thì cũng là lúc sư đoàn bộ binh số 18 Anh mở màn trận tấn công vào Mandalay bằng cách vượt sông Irrawaddy. Ngày 20 tháng 3, cố đô Mandalay đã hoàn toàn lọt về tay Đồng Minh sau 3 năm bị quân Nhật chiếm đóng.[145]

Sau khi tiến vào Mandalay, bộ tư lệnh quân Anh hạ lệnh cho tập đoàn quân 14 dừng lại một tháng để củng cố lực lượng. Trong khi đó, máy bay Anh, Mỹ liên tục thả bom xuống Rangoon, thủ đô của chính phủ thân Nhật. Ngày 27 tháng 3, dưới sự thúc ép của bộ tư lệnh Nhật, chính phủ Miến Điện thân Nhật đã buộc phải điều 1 sư đoàn "Quân đội quốc gia Miến Điện" ra tiền tuyến nhưng vừa ra khỏi thủ đô, nhiều quân lính đã chạy sang hàng ngũ quân Anh, quay súng chống lại quân Nhật.[146] Ngày 15 tháng 4, quân Anh bắt đầu cuộc tiến quân từ Mandalay xuống Rangoon. Nhưng khi tiến đến Pegu cách Rangoon hơn 80 km thì bị chặn đánh quyết liệt. Mãi đến ngày 3 tháng 5, quân Anh mới chiếm được thành phố này trong cảnh đổ nát hoang tàn.[147] Tổng cộng Nhật thiệt hại 347.000 người.[94]

Mặc dù chiến cuộc tại Miến Điện gần như đã kết thúc nhưng một số lực lượng Nhật vẫn còn kháng cự. Đầu tháng 8 năm 1945, bộ tư lệnh Đồng Minh tiêu diệt hoàn toàn 2 cánh quân Nhật ở tây sông Sittang với 10.500 quân Nhật bị giết và 700 bị bắt làm tù binh.[148] Nhiều đơn vị Nhật lẻ tẻ vẫn còn kháng cự đến đầu tháng 9 năm 1945. Sau khi giành lại được Miến Điện, bộ tư lệnh quân Anh thành lập thêm tập đoàn quân 12 Anh-Miến dự định tiến công giành lại Thái Lan, Mã Lai và Singapore nhưng công việc tổ chức chưa hoàn thành thì Nhật đã đầu hàng.

Chiến dịch Borneo 1945 là chiến dịch lớn cuối cùng tại mặt trận tây nam Thái Bình Dương. Chiến dịch là một loạt các cuộc đổ bộ bằng đường biển tấn công lực lượng quân Nhật đồn trú đảo từ ngày 1 tháng 5 đến 21 tháng 7 do quân đoàn I của Úc do tướng Leslie Morshead chỉ huy thực hiện. Các lực lượng hải quân và không quân Đồng Minh, như Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ dưới quyền đô đốc Thomas Kinkaid, Lực lượng Không quân Chiến thuật số 1 của Úc và Phi đoàn 13 Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch.

Chiến dịch mở màn với cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên hòn đảo nhỏ Tarakan vào ngày 1 tháng 5. Tiếp đó, vào ngày 1 tháng 6 là hai cuộc đổ bộ đồng thời lên Labuan và bờ biển Brunei. 1 tuần sau, quân Úc bắt đầu tấn công các vị trí quân Nhật tại miền Bắc Borneo. Sau cùng, quân Đồng Minh kết thúc chiến dịch bằng cuộc đổ bộ đường biển lớn cuối cùng tại Balikpapan, bờ biển phía đông Borneo vào ngày 1 tháng 7.

Mặc dù chiến dịch này vào thời điểm đó và nhiều năm về sau đã bị chỉ trích tại Úc là một sự phí phạm vô ích sinh mạng những người lính, nhưng nó cũng đã đạt được nhiều thành quả, như cô lập các lực lượng quân Nhật còn đang chiếm giữ phần lớn Indonesia, chiếm được các nguồn cung cấp dầu mỏ và giải thoát tù binh Đồng Minh, những người đang phải ở trong tình trạng ngày càng tồi tệ.[149]

Sau khi đánh chiếm thành công New Guinea và quần đảo Mariana, trong lúc quan điểm của tướng Douglas MacArthur là tiến đánh và giải phóng Philippines, giới lãnh đạo lục quân và hải quân Hoa Kỳ lại cho rằng đổ bộ lên Đài Loan rồi tấn công Okinawa là con đường ngắn nhất tiến đến Nhật Bản.[150] MacArthur kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình vì cho rằng nếu Mỹ bỏ rơi Philippines, "đó sẽ là một thất bại quan trọng về tâm lý và chính trị đối với Hoa Kỳ trong nhiều năm sau.[151]" và đến ngày 26 tháng 7, ông và đô đốc Nimitz được mời đến Hawaii gặp tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Tại đây, sau khi MacArthur trình bày tỉ mỉ kế hoạch chiếm Philippines, cả đô đốc Nimitz cũng thừa nhận danh dự quốc gia cũng như yêu cầu chiến lược đòi hỏi phải giải phóng Philippines và kế hoạch đã được tổng thống Roosevelt phê chuẩn.[152] MacArthur sẽ lãnh đạo toàn bộ việc thực hiện kế hoạch phối hợp cùng lực lượng hải quân của đô đốc Nimitz.

Trong khi đó, Bộ tổng tham mưu Lục quân và Hải quân Hoàng gia Nhật Bản đã cho ra đời kế hoạch mang tên Sho-Go (Chiến thắng) thực chất là kế hoạch phòng thủ. Phần 1 của kế hoạch, gọi là Sho-1, là chiến dịch phòng thủ Philippines. Việc phòng thủ Philippines được giao cho tập đoàn quân số 14 Nhật Bản với quân số 450.000 người trong đó 250.000 quân đóng trên đảo Luzon và 200.000 quân đóng tại Leyte.[153] Tổng số máy bay trên các đảo ở Philippines là 600 chiếc.[154] Nguyên soái Terauchi đề nghị tập trung lực lượng đánh tan quân Mỹ vừa đổ bộ nhưng bị bác bỏ vì không biết quân Mỹ sẽ đổ bộ chính xác ở đâu nên khó điều động tập trung binh lực[155] và do đó Bộ tư lệnh tối cao chỉ thị cho Terauchi thực hiện kế hoạch phòng thủ chiều sâu. "Người hùng Mã Lai", trung tướng Tomoyuki Yamashita được điều đến Philippines làm tư lệnh thay tướng Shigenori Kuroda. Trung tướng Sosaku Suzuki được trao nhiệm vụ bảo vệ đảo Midanao và chiến trường phía nam Philippines bằng quân đoàn 35.

Hải chiến vịnh Leyte, được xem là trận hải chiến lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như là một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử.[156] Trận hải chiến này là một chuỗi 4 trận hải chiến nhỏ diễn ra quanh đảo Leyte từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 10 năm 1944. Trận chiến này cũng ghi nhận lần đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu Kamikaze.[157][158] Ngày 20 tháng 10, quân Mỹ đổ bộ lên Leyte. Bộ chỉ huy Mỹ đã sử dụng Đệ Tam hạm đội và Đệ Thất hạm đội gồm 25 hàng không mẫu hạm, 20 tuần dương hạm, 144 khu trục hạm yểm trợ cuộc đổ bộ.[159] Còn Nhật Bản huy động được 4 hàng không mẫu hạm, 9 thiết giáp hạm, 21 tuần dương hạm chia làm 3 lực lượng tác chiến tiến về Leyte. Theo kế hoạch của người Nhật, lực lượng phía bắc của đô đốc Jisaburo Ozawa tiến từ các căn cứ hải quân Nhật Bản sẽ làm lực lượng "chim mồi" nhử Đệ Tam hạm đội tiến về phía bắc, để cho lực lượng Trung tâm của đô đốc Takeo Kurita từ Singapore vượt qua eo biển San Bernardino tiến đến vịnh Leyte từ phía bắc tiêu diệt quân đổ bộ; trong khi lực lượng còn lại của chuẩn đô đốc Shoji Nishimura vượt qua eo biển Surigao (nằm giữa Midanao và Leyte) để vào vịnh Leyte từ phía nam.

Lực lượng trung tâm của Kurita bao gồm 4 thiết giáp hạm, 13 tuần dương hạm và 19 khu trục hạm trong đó có 2 thiết giáp hạm lớn nhất thế giới là Yamato và Musashi nhưng lại không hề có máy bay yểm trợ. Sáng ngày 23 tháng 10, khi lực lượng này đến phía tây Palawan, đã bị tàu ngầm của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ phát hiện. 2 tàu ngầm Darter và Dace đã phóng ngư lôi đánh chìm 2 tuần dương hạm Nhật trong đó có chiếc Atago là kì hạm của Kurita buộc ông phải phải chuyển soái kì qua thiết giáp hạm Yamato.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 24 tháng 10, Lực lượng Trung tâm bị phát hiện trong khi đang di chuyển qua biển Sibuyan. Kurita điện về Manila xin không quân yểm trợ nhưng 180 máy bay tại đây đã bay đi tấn công Đệ Tam hạm đội ở vùng biển đông Philippines, đánh chìm được tàu sân bay nhẹ Princeton nhưng bị bắn rơi gần hết.[160] Kết quả là Lực lượng trung tâm của Kurita phải chịu 5 đợt tấn công của các máy bay Hoa Kỳ trong suốt hơn 5 tiếng đồng hồ mà không hề có một máy bay Nhật nào bay tới ứng cứu. Kết quả là siêu thiết giáp hạm Musashi bị đánh chìm sau khu trúng 17 quả bom và 9 quả ngư lôi trúng đích,[161] Yamato cũng bị thương nhẹ. Tuy nhiên, lực lượng của Kurita đã vượt qua thành công eo biển San Bernardino trong đêm hôm đó.

Trong lúc Kurita vượt qua eo San Bernadino một cách khó khăn, phân hạm đội của phó đô đốc Nishimura gồm 2 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 4 khu trục hạm gần như an toàn suốt chuyến đi và tiến vào eo biển Surigao. Tuy nhiên tại đây vào đêm ngày 24 tháng 10, lực lượng này đã giao tranh với lực lượng thuộc Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ của chuẩn đô đốc Jesse Oldendorf, bao gồm 6 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm, 29 khu trục hạm và 29 tàu phóng lôi. Trong số bảy chiến hạm của Nishimura, chỉ còn lại khu trục hạm Shigure sống sót; Nishimura cũng chết cùng kì hạm Yamashiro của mình.[162] Trong khi đó, một lực lượng khác của phó đô đốc Kiohyde Shima cũng tiến vào vịnh Leyte theo con đường phân hạm đội Nishimura đã đi, và đi sau 30 dặm. Khi chiến trận giữa Nishimua và hạm đội Mỹ vừa tàn thì Shima đến nơi. Nhìn thấy những thứ mà ông nghĩ là phần còn lại của cả hai chiếc thiết giáp hạm của Nishimura (đúng ra là hai nửa của chiếc Fusō), Shima ra lệnh rút lui vì không muốn chịu chung số phận.

Lực lượng phía bắc của Ozawa nhận được tín điện cầu cứu của Kurita đã xả hết tốc lực xuôi về Nam để hi sinh biến mình thành "mồi nhử" thu hút hạm đội Mỹ giúp cho lực lượng của Kurita vượt qua eo San Bernadino an toàn.[163] Ozawa có trong tay 4 hàng không mẫu hạm, 2 thiết giáp hạm được cải biến thành hàng không mẫu hạm, 3 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm và vỏn vẹn 108 máy bay, còn Đệ tam Hạm đội có đến 9 hàng không mẫu hạm nặng, 8 hàng không mẫu hạm nhẹ, 6 thiết giáp hạm, 17 tuần dương hạm và 1.000 máy bay. Chỉ huy Đệ tam hạm đội, đô đốc William Halsey, Jr sau phi phát hiện ra lực lượng phía bắc đã cho rằng đây là mối đe dọa chủ yếu nên ông đã cho thành phần chủ yếu của hạm đội là Lực lượng đặc nhiệm 38 tiến về phía bắc. Hành động khiến cho Halsey bị nhiều chỉ trích sau này đã giúp lực lượng Kurita được "giải thoát". Nhưng không may cho phía Nhật, bức điện miêu tả kế hoạch "mồi nhử" của Ozawa đã không đến tay Kurita.

Vào thời điểm đó, phó đô đốc Kurita đã đưa đoàn tàu qua eo San Bernadino không gặp sự kháng cự nào trong đêm ngày 24 rạng ngày 25 vì đô đốc Hoa Kỳ Hasley đã tung toàn lực lượng của Đệ Tam hạm đội lên phía bắc để tấn công các tàu sân bay Nhật thuộc Lực lượng phía bắc của Ozawa đã bỏ trống eo biển San Bernardino. Kurita cho đoàn tàu di chuyển về phía nam dọc theo bờ biển phía đông đảo Samar, nơi lực lượng Hoa Kỳ phòng thủ là Đơn vị Đặc nhiệm tàu sân bay hộ tống của Đệ Thất hạm đội dưới tên các gọi Taffy 3 gồm 6 tàu sân bay hộ tống loại nhỏ và 7 khu trục hạm do chuẩn đô đốc Clifton Sprague chỉ huy. Trông thấy các tàu sân bay Mỹ, Kurita hạ lệnh tấn công. Sprague lệnh cho 3 khu trục hạm tấn công tàu Nhật để tàu sân bay bỏ chạy đồng thời máy bay từ các tàu sân bay của Sprague cũng lao vào tấn công. Tàu sân bay Gambier Bay bị đạn pháo bắn nổ buồng máy và chìm. Mỹ còn bị chìm thêm 2 khu trục hạm khác trong khi phía Nhật có 3 tuần dương hạm bị thương nặng vì máy bay Mỹ. Đoàn tàu sân bay Mỹ đã rút lui khỏi chiến trường và Kurita hạ lệnh bỏ các mục tiêu này tiến về phía đảo Leyte để tiêu diệt quân đổ bộ Mỹ. Đến khoảng 10 giờ 50 phút, Sprague phát hiện một tốp máy bay Nhật tiến về tàu sân bay của mình. Một chiếc Zero do trung úy Yukio Seki đã đâm vào tàu sân bay USS St. Lo làm nổ tung kho chứa bom, đánh chìm tàu sân bay này.[164] Đây được xem là cuộc tấn công chính thức đầu tiên của các Kamikaze (Thần phong) trong Chiến tranh Thái Bình Dương.

Gần trưa ngày 25 tháng 10, đoàn chiến hạm của Kurita tiến sát đến ngưỡng cửa vịnh Leyte. Ông bỗng nhận được tin một hạm đội tàu sân bay Mỹ đang ở cách vịnh Leyte 113 dặm về phía bắc.[165] Đồng thời, qua bức điện nhận được từ khu trục hạm Shigure còn sống sót của phân đội Nishimura, ông biết được lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ ở đây rất mạnh, đủ khả năng tiêu diệt lực lượng của ông. Kurita còn đoán rằng đoàn tàu đổ bộ Mỹ đã chuyển hết quân trang, quân dụng lên bờ.[166] Sau khi cân nhắc, Kurita hạ lệnh rút lui, quay về phía bắc để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Quyết định của Kurita về sau được chứng minh là sai lầm lớn: Đệ tam hạm đội của Hasley đang bận truy đuổi Lực lượng phía bắc của Nhật nên không thể về cứu viện kịp; chủ lực Đệ thất hạm đội còn ở eo Surigao phía nam Leyte, không đề phòng một cuộc đột kích từ phía bắc và đoàn tàu đổ bộ tại vịnh Leyte còn chưa chuyển hết quân trang, quân dụng lên bờ.[166] Các chiến hạm của Kurita có thể lọt vào vịnh Leyte và tiêu diệt xong đoàn tàu đổ bộ Mĩ trong vịnh rồi mới phải quay ra đối phó với hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ. Quân Nhật sẽ rất tiếc nuối khi biết rằng đoàn tàu đổ bộ Mĩ ở vịnh Leyte lúc bấy giờ vẫn chưa chuyển hết số vũ khí quân trang lên bờ. Trong số đó có 23 tàu đổ bộ LST chở xe tăng, 28 tàu vận tải cỡ 22.000 tấn chở các vỉ sắt lót đường băng và các vật liệu khác để lập sân bay dã chiến. Nếu số tàu này bị đánh chìm thì - như tướng Mac Arthur đã thừa nhận - đạo quân Mĩ đã đổ bộ sẽ "bị đặt vào tình thế nguy hiểm".

Trở lại với lực lượng phía bắc của Ozawa, từ sáng ngày 25 tháng 10, ông đã phóng khoảng 75 máy bay tấn công Đệ Tam hạm đội. Đa số bị các máy bay Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên không bắn rơi, không gây thiệt hại gì cho các tàu Mỹ. Vào lúc 8 giờ, đô đốc Hasley tung đợt tấn công đầu tiên gồm 180 máy bay. Ozawa đưa các chiến đấu cơ của mình lên ngăn chặn nhưng đều bị bắn rơi. Sau 4 đợt tấn công của máy bay Mỹ, Nhật Bản mất 3 hàng không mẫu hạm Zuikaku, Zuiho và Chiyoda. Chiếc hàng không mẫu hạm thứ tư, Chitose và một khu trục hạm bị vô hiệu hóa và chìm sau đó. Sự hi sinh này của Lực lượng phía bắc đã trở nên vô ích khi Kurita không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đoàn tàu đổ bộ Hoa Kỳ ở vịnh Leyte.[167] Sau khi Kurita rời vịnh Leyte, đoàn tàu của ông bị các máy bay từ các tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ của Sprague đánh bị thương 2 chiến hạm. Tiếp đó, là đợt tấn công của 147 máy bay thuộc phân đội tàu sân bay thứ tư của Hasley. Đến 6 giờ tối, khi không còn đủ nhiên liệu để truy lùng đoàn tàu sân bay chủ lực của Hasley, Kurita đành hạ lệnh thẳng tiến tới eo San Bernadino trở về căn cứ. Trên đường về, lực lượng của ông còn bị máy bay Mỹ truy kích đánh chìm 1 thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm.[168]

Kết thúc trận đánh tại vịnh Leyte, hải quân Nhật bị tổn thất nặng: 4 hàng không mẫu hạm, 3 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm bị đánh chìm, nhiều chiến hạm khác bị hư hỏng.[169] Còn hải quân Mỹ chỉ thiệt hại nhẹ: 1 hàng không mẫu hạm nhẹ, 2 hàng không mẫu hạm hộ tống và 3 khu trục hạm bị đánh chìm. Sau 4 ngày chiến đấu, hải quân Nhật mất 300.000 tấn trọng tải tàu, bằng 1/4 tổng khối lượng tàu Nhật chìm kể từ đầu chiến tranh. Tổn thất không thể bù đắp này khiến hải quân Nhật chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong giai đoạn còn lại của cuộc chiến.[168] Kèm theo đó, lục quân Nhật phòng thủ Philippines hết hi vọng ở sự trợ giúp của hải quân.

Cuộc đổ bộ lên đảo Leyte bắt đầu vào 10 giờ sáng ngày 20 tháng 10 năm 1944. Sau 3 ngày, lực lượng đi đầu của Mỹ gồm 4 sư đoàn bộ binh trước sự kháng cự yếu ớt và thiếu tổ chức của quân Nhật[170] đã chiếm một dải đất dài 20 km, sâu 17 km và lập tức xây dựng ngay các sân bay dã chiến cho quân đoàn không quân số 5 từ đảo Morotai bay tới.[171] Tại Manila, tướng Yamashita nhận được lệnh từ Tổng hành dinh ở Tokyo là tập đoàn quân 14 phải đánh trận quyết định ở Leyte. Nhận thấy khó thực hiện được mệnh lệnh này, ông cố gắng thuyết phục nguyên soái Terauchi cho lui quân về Luzon nhưng bị từ chối.[172]

Ngày 25 tháng 10, khi trận hải chiến ở vùng biển Leyte còn đang quyết liệt, quân Mỹ đã đổ bộ lên đảo Samar phía đông bắc Leyte, cắt đứt tuyến giao thông liên lạc của quân Nhật từ đảo Leyte tới đảo Luzon là nơi đặt sở chỉ huy. Ngày 1 tháng 11, sư đoàn 1 Nhật đã được điều từ Manila xuôi xuống phía nam cứu viện cho Leyte. Khi sư đoàn này cập cảng Ormoc đã chạm trán sư đoàn bộ binh 24 Mỹ.[173] So với sư đoàn 1 Nhật, sư đoàn 24 Mỹ hơn hẳn về quân số, trang bị, pháo binh và xe tăng nhưng quân Nhật biết dựa vào công sự kiên cố và địa hình hiểm trở đã chống cự quyết liệt gây cho Mỹ nhiều thiệt hại.[174] Vì vậy bộ tư lệnh Mỹ đã điều thêm sư đoàn kị binh số 1 đến tăng viện cho sư đoàn 24. Phía Nhật cũng đưa thêm sư đoàn 26 vào tham chiến và hai bên cứ tiếp tục điều thêm quân đến Leyte cho đến lúc quân Mỹ chiếm được đảo ngày 22 tháng 12.

Thất bại ở Leyte đưa đến sự mất uy tín của thủ tướng Kuniaki Koiso khi trước đó ông đã tuyên bố là Nhật sẽ thắng ở đây.[175] Lục quân Nhật mất 1 quân đoàn tinh nhuệ. 3.500 lính và sĩ quan Hoa Kỳ và hơn 12.000 người khác bị thương trong khi chỉ có 5.000 lính Nhật sống sót trong số 70.000 quân ban đầu.[176]

Lực lượng Mỹ huy động đánh chiếm Luzon có tập đoàn quân số 6 gồm 2 quân đoàn, mỗi quân đoàn có 5 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn đổ bộ đường không và một sư đoàn tăng gồm 80 chiếc. Phía sau tập đoàn quân 6 còn có 4 sư đoàn bộ binh. Tổng cộng lực lượng đổ bộ của Mỹ có 250.000 quân[177] đối đầu với 120.000 quân phòng thủ thuộc tập đoàn quân 14 Nhật.[178]

Vào ngày 15 tháng 12, quân Mỹ đã đổ bộ lên đảo Mindoro, phía nam đảo Luzon. Chỉ có khoảng 1.000 quân Nhật tại đây nhưng quân Mỹ cũng phải mất hơn 3 tuần giao tranh mới chiếm được đảo và thiết lập tại đây một sân bay.[176] Ngày 9 tháng 1 năm 1945, Tập đoàn quân số 6 Hoa Kỳ do tướng Walter Krueger chỉ huy đổ bộ lên bờ vịnh Lingayen, đúng nơi người Nhật đổ bộ 3 năm về trước.[179] Quân Nhật buộc phải rút lui về phòng thủ Bataan và Corregidor.

Ngày 11 tháng 1, quân Mỹ bắt đầu hành quân về hướng nam tiến đến Manila. Mặc cho những bước tiến khả quan ban đầu, các cuộc đụng độ tiếp theo ở Manila diễn ra ác liệt. Ngày 25 tháng 2, lực lượng đi đầu của Mỹ tiến vào Manila đã bị bom đạn tàn phá hầu như hủy diệt.[180] Phải đến ngày 3 tháng 3, quân Mỹ mới quét sạch tất cả quân Nhật trong thành phố. Khi vòng vây đối với thành phố Manila ngày càng khép chặt, bán đảo Bataan nhanh chóng bị quân Mỹ chiếm giữ. Còn tại Corregidor, chiến cuộc đã diễn ra trong 11 ngày đêm và đến ngày 17 tháng 2, quân Mỹ chiếm được nơi đây khi chỉ còn vỏn vẹn 20 quân Nhật sống sót.[181]

Cùng lúc đó, hải quân Hoa Kỳ dù gặp nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công Kamikaze nhưng vẫn đủ sức yểm trợ cho lực lượng trên bờ và ngăn chặn hải quân Nhật tiếp viện cho chiến trường Philippines.[179] Ngày 12 tháng 1, hạm đội tàu sân bay của đô đốc Halsey đã cho máy bay đi oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn cùng các căn cứ thủy phi cơ Nhật tại Cát Lái và Quy Nhơn. Tiếp đó trong hai ngày 13 và 14 tháng 1, đến lượt Hồng Kông, Áo Môn, Sa Đầu và Đài Loan bị oanh tạc.[182]

Phần còn lại của Philippines chỉ được giải phóng vào tháng 7 năm 1945 sau các cuộc hành quân phối hợp thủy bộ và không vận.[183] Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm nhỏ quân Nhật lẩn quất trong rừng rậm không chịu ra hàng.[180] Kết thúc chiến dịch Philippines, ước tính 250.000 quân Nhật đã chết[184] trong khi tổn thất của Mỹ cũng lên đến 60.000 người, chưa kể du kích quân Philippines.[185] Chiến cuộc tại Philippines là một đòn nặng nề cho cả hải quân lẫn lục quân Nhật. Tuy nhiên, tốc độ tiến quân của quân Mỹ vẫn rất chậm so với khi lục quân Nhật đánh chiếm Philippines năm 1942.[186]

Theo phương án tác chiến của hội đồng tham mưu Hoa Kỳ, sau khi giành được Philippines và Indonesia sẽ đổ bộ đánh chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, sau những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Thái Bình Dương, họ quyết định thay đổi kế hoạch tấn công: bỏ qua Đài Loan và tiến đánh Iwo Jima là lãnh thổ cực nam Nhật Bản có tác động tâm lý lớn hơn.[187] Ngoài ra, trên đảo còn có 3 sân bay có thể được người Mỹ sử dụng cho các cuộc oanh kích vào lãnh thổ Nhật Bản bằng các máy bay ném bom hạng nặng B-29 hay tiếp nhận hạ cánh khẩn cấp những máy bay Mỹ đi ném bom trở về và còn nhằm triệt hạ các căn cứ radar Nhật trên đảo.

Lực lượng Nhật phòng thủ tại Iwo Jima khoảng 22.000 quân do trung tướng Tadamichi Kuribayashi chỉ huy. Còn bên phía Hoa Kỳ, để tiến đánh Iwo Jima, họ đã huy động 3 sư đoàn thủy quân lục chiến và 192 xe tăng lội nước[188] Trung tướng Holland Smith được chọn làm tư lệnh hành quân các lực lượng thủy quân lục chiến. Toàn bộ lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến là 110.000 người được yểm trợ bởi 700 chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ, trong đó có 28 hàng không mẫu hạm mang 1.172 máy bay.[189]

Sau một loạt đợt oanh kích dọn đường bằng hải pháo và máy bay trong ba ngày 16, 17 và 18 tháng 2, sáng ngày 19 tháng 2, lính Mỹ đổ bộ lên Iwo Jima[188] và nhanh chóng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân trú phòng Nhật. Núi Suribachi, điểm cao nhất trên hòn đảo và cũng là một vị trí phòng thủ quan trọng, bị lính thủy đánh bộ Mỹ đánh chiếm vào ngày 23 tháng 2. Tuy nhiên, địa hình hiểm trợ cộng với sức chống trả ngoan cường của người Nhật khiến lính Mỹ tiến quân rất chậm. Phải đến ngày 16 tháng 3, hòn đảo mới chính thức được Hoa Kỳ tuyên bố an toàn và chiến sự chính thức chấm dứt vào ngày 26 tháng 3.

Trong số khoảng 22.000 quân trú phòng Nhật, chỉ còn khoảng 3.000 người sống sót và 216 người bị bắt làm tù binh. Một số còn lại ẩn náu trong các hang động, tiếp tục chiến đấu cho đến nhiều năm sau chiến tranh. Quân Mỹ cũng tổn thất nặng với 6.821 lính thủy đánh bộ chết và gần 20.000 người bị thương.[190] Iwo Jima là nơi đổ bộ duy nhất tại Thái Bình Dương mà thương vong của phía Mỹ vượt hơn cả Nhật.[191] Với giá đó, người Mỹ đã tiến bước đầu tiên tới ngưỡng cửa Nhật Bản.

Mục tiêu kế tiếp của người Mỹ sau Iwo Jima là Okinawa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Ryukyu, nằm về phía nam đảo Kyushu, dài gần 100 km. Đảo có một vị trí chiến lược quan trọng vì nằm trên ngã tư quốc tế ở Đông Á, giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.[192] Trên đảo còn có thể xây dựng các sân bay lớn và quân cảng.

Lực lượng Nhật Bản trấn giữ Okinawa bao gồm Quân đoàn 32 và một số đơn vị hỗ trợ, kể cả dân quân, tổng cộng là hơn 100.000. Chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ trên đảo là trung tướng Mitsuru Ushijima, tham mưu trưởng là trung tướng Isamu Chō và trưởng phòng tác chiến là đại tá Hiromichi Yahara. Trong khi đó, lực lượng chủ yếu của Mỹ tham gia đánh chiếm Okinawa là Tập đoàn quân số 10 do trung tướng Simon Bolivar Buckner chỉ huy, được yểm trợ bởi 1.317 tàu chiến và 1.727 máy bay.[193]

Máy bay, chiến hạm hoa Kỳ bắt đầu ném bom, bắn phá Okinawa từ ngày 24 tháng 3 và ác liệt nhất là vào ngày 31. Ngày 1 tháng 4, quân Mỹ bắt đầu cuộc đổ bộ mà không sự kháng cự nào đáng kể. Trước tình thế đó, ngày 5 tháng 4, đô đốc Soemu Toyoda, tư lệnh Hạm đội Liên hợp ra lệnh cho phó đô đốc Seiichi Ito, tư lệnh Đệ nhị hạm đội tiến đánh hạm đội Đồng Minh đang thả neo tại Okinawa. Cuộc tổng tấn công này của hải quân được gọi là Cuộc hành quân Ten-Go. Đệ nhị hạm đội lúc này còn trong tay 10 chiến hạm, trong đó có thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato. Đây được xem là một nhiệm vụ tự sát nếu so sánh lực lượng hạm đội Nhật và Đồng Minh nhưng thực chất là một nhiệm vụ nhử địch giúp các máy bay Kamikaze tấn công hạm đội Hoa Kỳ.

Chiều ngày 6 tháng 4, hạm đội bắt đầu nhổ neo đi chiến đấu. Tuy nhiên đến trưa ngày 7 tháng 4, trong khoảng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, hạm đội Nhật đã bị các máy bay xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tấn công và kết quả là 6 chiến hạm bị đánh chìm, trong đó có Yamato. Với việc thiết giáp hạm Yamato bị đánh chìm, hải quân Hoàng gia Nhật xem như cũng chìm theo.[194]

Sau một tuần đổ bộ, quân Mỹ không gặp bất kì một sự kháng cự đáng kể nào. Tuy nhiên, khi tiến xuống phía nam, đến chân dãy núi Shuri, họ đã vấp phải lực lượng quân Nhật đang chờ đón họ trong những vị trí phòng thủ được chuẩn bị chu đáo. Từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5, nỗ lực đánh chiếm phòng tuyến Shuri của quân Mỹ đã thất bại. Tuy nhiên, sau cuộc phản công bất thành của quân Nhật, ngày 11 tháng 5, Tập đoàn quân số 10 bắt đầu lại cuộc đột phá phòng tuyến.

Trước những cuộc đột phá phòng tuyến của quân Mỹ cộng với quân lực ngày càng giảm sút, đến cuối tháng 5, tướng Ushijima đã phải ra lệnh cho rút dần quân ra khỏi phòng tuyến Shuri. Đêm ngày 26 tháng 5, bộ tư lệnh của tướng Ushijima cũng rời khỏi hang động dưới chân lâu đài Shuri.[195] Phòng tuyến Shuri xem như sụp đổ và đến ngày 31 tháng 5 thì thành phố Shuri bị quân Mỹ chiếm.

Tại Okinawa, các máy bay Kamikaze đã gây ra cho người Mỹ rất nhiều khó khăn nhưng vẫn không ngăn được bước tiến, dù chậm chạp của quân Mỹ tại Okinawa. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 6, 4 ngày trước khi trận đánh kết thúc, tướng Simon Bolivar Buckner, tư lệnh quân Mỹ tại Okinawa bị quân Nhật phục kích bằng súng cối làm ông chết trước giờ thắng lợi cuối cùng. Ngày 22 tháng 6, tướng Ushijima, tướng Cho và 7 sĩ quan khác trong ban tham mưu của quân Nhật tại Okinawa đã tự sát. Ngày 2 tháng 7, chiến sự trên đảo Okinawa chấm dứt sau 3 tháng giao tranh.

Trong trận này, Nhật Bản bị loại khỏi vòng chiến hơn 100.000 quân (gồm hơn 77.000 tử trận, gần 10.000 bị bắt làm tù binh và gần 20.000 ra hàng sau khi chiến tranh kết thúc), chưa kể hơn 150.000 dân đảo Okinawa chết vì nhiều nguyên nhân. Phía Mỹ có 20.195 lính chết (bao gồm 12.520 chết tại trận, gần 7.800 chết tại bệnh viện vì bị thương hoặc bị bệnh), 55.162 người bị thương. Trận Okinawa là một chương đẫm máu nhất của chiến tranh Thái Bình Dương.[196]

Từ tháng 6 năm 1944, Hoa Kỳ đã tiến hành những cuộc ném bom lẻ tẻ trên lãnh thổ Nhật Bản. Mãi đến cuối năm 1944, khi tuyến phòng thủ của Nhật ngày càng bị đẩy lùi, các cuộc oanh tạc Nhật Bản mới được tiến hành với quy mô ngày càng lớn và tính chất ngày càng ác liệt. Đó không chỉ là một đòn tâm lý mà còn là bộ phận quan trọng trong chiến lược của Đồng Minh nhằm hủy diệt tiềm lực công nghiệp quân sự Nhật; tiêu diệt các căn cứ hải, lục, không quân; ngăn cản sự chi viện của Nhật đến các chiến trường xa và phong tỏa nước Nhật. Sau cùng, không quân, lục quân, hải quân Đồng Minh sẽ phối hợp tấn công buộc Nhật Bản đầu hàng.[197] Tuy nhiên, vào đầu năm 1945, nhiều nhà máy Nhật đã đóng cửa hoặc hoạt động dưới công suất vì thiếu nguyên liệu ngay trước cuộc ném bom của Đồng Minh.[198]

Từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, 19.500 tấn bom của Đồng Minh đã được thả xuống chiến trường Thái Bình Dương, phần lớn rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.[199] Trong đó, vào đêm ngày 9 tháng 3, Tokyo bị oanh tạc bởi bom napan, khoảng 100.000 người được ước tính đã chết ngay lập tức trong biển lửa, hơn cả con số thương vong do bom gây ra ở Hiroshima hay Nagasaki.[200][201] Cuộc ném bom này là sáng kiến của thiếu tướng Curtis LeMay, tư lệnh sư đoàn oanh tạc cơ số 3, người cho rằng có thể buộc Nhật Bản đầu hàng mà không cần phải đổ bộ lên đất Nhật bằng cách tiến hành liên tục những cuộc ném bom hủy diệt trên quy mô lớn.[202] Ngay trong đêm 10 rạng ngày 11, Hoa Kỳ lại huy động hơn 300 máy bay ném bom Napalm xuống Nagoya là thành phố lớn thứ ba của nước Nhật. Tiếp sau đó, lần lượt là Osaka, Kobe, Yokohama đều bị ném bom dữ dội. Từ đầu tháng 6 đến 15-8-1945, Đồng minh đã dùng hết 135.000 tấn bom ở chiến trường Thái Bình Dương, hầu hết số đó rơi xuống chính quốc Nhật Bản, số bom ném trong hai tháng rưỡi cuối cùng của chiến tranh nhiều hơn gấp 7 lần số bom dùng trong 6 tháng trước đó.[203]

Đến mùa hè, Nhật Bản đã hoàn toàn bị cô lập, hạm đội Nhật bị đánh chìm, không quân không tự lo liệu được, nền công nghiệp bị tê liệt.[204] Sau khi Hoa Kỳ chiếm được Okinawa, các cuộc oanh kích đã gia tăng cường độ rất nhiều, hơn cả sự tàn phá nước Đức trước đó. Từ tháng 3 đến tháng 6, Nhật mất 4.000 máy bay và từ ngày 4 tháng 7, không còn thấy máy bay Nhật nghênh chiến. Một số phi đội sống sót phải kéo sang Triều Tiên trú ẩn chờ ngày xuất kích khi Đồng minh đổ bộ lên Nhật Bản.

Phía Nhật Bản cũng đề ra chiến lược kháng cự mới, đó là các phi công Thần phong. Họ là các phi công cảm tử chuyên lái máy bay chở đầy thuốc nổ, bom đâm thẳng vào tàu địch. Đó là một nỗ lực cảm tử nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch so với việc ném bom thông thường. Trong 6 tháng đầu năm 1945, các máy bay Thần phong (máy bay cảm tử mang bom lao thẳng vào tàu chiến địch) của không quân Nhật cũng đã đánh đắm hoặc đánh trọng thương được 264 tàu chiến các loại của Mỹ, trong đó có 4 tàu sân bay lớn là các chiếc Ticonderoga, Saratoga, Intrepid và Bunker Hill. Trận bão ngày 5/6 cũng gây hư hại hư hại cho 5 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 13 hạm tàu khác của Mỹ, khiến Hạm đội 3 của Mỹ phải quay về căn cứ sửa chữa mất 1 tháng.[205]

Hải quân Nhật bước sang tháng 8 chỉ còn lại 2 hàng không mẫu hạm, 4 tuần dương hạm, 26 khu trục hạm, 16 tàu ngầm; nhiều chiếc trong số này cũng phải nằm tại cảng do không có đủ nhiên liệu hoặc đạn dược[206] Trong khi đó, lực lượng hải quân Đồng Minh do Hoa Kỳ làm nòng cốt dù chịu nhiều thiệt hại song vẫn có số lượng áp đảo. Tới tháng 8 năm 1945, hải quân Mỹ có trong tay 6.768 tàu các loại, gồm 28 tàu sân bay cỡ lớn và hàng chục tàu sân bay cỡ nhỏ, 23 thiết giáp hạm, 71 tàu sân bay hộ tống, 72 tuần dương hạm, 232 tàu ngầm, 377 khu trục hạm cùng hàng ngàn tàu chở hàng, chở dầu, tàu đổ bộ các loại; phần lớn số này đã được huy động cho mặt trận Thái Bình Dương.[207]

Kết quả 7 tháng của năm 1945, không quân và hải quân Đồng minh đã đánh đắm hoặc làm trọng thương 2.700.000 tấn trọng tải tàu các loại, tiêu diệt 11.375 máy bay các loại của Nhật. Các tàu vận tải tới Trung Quốc, Đông Dương, Triều Tiên liên tục bị máy bay và tàu ngầm Đồng Minh đánh chìm. Chính quốc Nhật Bản hầu như bị cô lập với các vùng lãnh thổ trải dài từ Triều Tiên, Mãn Châu qua Trung Quốc đến tận Đông Dương, Mã Lai, Singapore.

Mọi lĩnh vực thuộc đời sống Nhật Bản, dân sự cũng như quân sự, bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng thiếu thốn nguyên liệu thô cơ bản. Sản xuất thép chỉ còn không tới 100.000 tấn mỗi tháng. Tương tự, sản lượng máy bay đã rớt xuống chỉ bằng 1/3 chỉ tiêu vì thiếu nhôm, bauxit, và sự khan hiếm than đã làm giảm mức sản xuất quân nhu xuống còn 50%. Đội tàu vận tải chỉ còn 1.000.000 tấn, và hệ thống vận tải toàn bộ đã bị tê liệt vì thiếu xăng dầu và nhân lực để chuyên chở hàng. Đến cuối năm 1945 sẽ không còn có lưu thông tàu hỏa giữa các thành phố, việc xây dựng tàu sắt sẽ ngưng lại và công nghiệp hóa học sẽ sụp đổ.

Vì nạn đói đang tới (lượng thu hoạch gạo tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1905), chính phủ Nhật soạn thảo một kế hoạch biến các loại hạt (hạt dẻ, hạt sồi...) thành lương thực. Toàn thể dân chúng, học sinh và người tản cư sẽ tham gia để thu nhặt đủ chỉ tiêu tối đa là năm triệu koku (giạ) quả hạt. Khẩu phần lương thực chính thức mỗi ngày – khi đạt được mục tiêu đó – cũng sẽ xuống thấp dưới 1.500 calo, chỉ bằng 2/3 tiêu chuẩn tối thiểu của người trưởng thành. Những cư dân thành phố chịu nhiều khó khăn nhất, và hàng triệu người di tản về miền quê mỗi chủ nhật để đổi chác kimono, nữ trang, đồ đạc, bất cứ thứ gì quí giá của họ để lấy khoai lang, rau cải và trái cây.

68 thành phố của Nhật Bản đã bị không kích và tất cả đều bị hủy diệt một phần hoặc toàn bộ. Ước tính khoảng 1,7 triệu người đã mất nhà cửa, 300.000 người chết và 750.000 người bị thương. 66 trong tổng số những vụ tấn công đó được thực hiện bằng bom thông thường, 2 vụ bằng bom nguyên tử. Sự hủy diệt từ những vụ tấn công thông thường là rất lớn. Hết đêm này qua đêm khác, suốt cả mùa hè, các thành phố đều chìm trong khói lửa.

Nhưng Nhật Bản vẫn không có ý định đầu hàng. Hai ngày sau khi Tokyo bị không kích, cựu Ngoại trưởng Shidehara Kijuro đã bày tỏ quan điểm mà nhiều thành viên cấp cao trong chính phủ Nhật Bản chia sẻ, rằng "người dân sẽ quen dần với việc ngày nào cũng phải hứng chịu bom. Dần dần tinh thần đoàn kết và quyết tâm của họ sẽ mạnh mẽ hơn nữa". Trong một lá thư gửi một người bạn ông viết rằng quan trọng là người dân phải cam chịu khổ cực vì "kể cả nếu hàng trăm ngàn người không trực tiếp tham chiến bị giết, bị thương, hoặc chết đói, kể cả nếu hàng triệu tòa nhà bị phá nát hay thiêu hủy", thì vẫn cần phải cam chịu để có thêm thời gian đàm phán sao cho Nhật Bản có thể kết thúc chiến tranh với những điều khoản có lợi[208]

Như vậy, đến đầu tháng 8 năm 1945, hải quân và không quân Nhật - lực lượng chủ yếu đem đến chiến thắng liên tiếp cho họ vào thời kì đầu chiến tranh Thái Bình Dương - đã bị loại khỏi vòng chiến, tiềm lực công nghiệp chiến tranh của Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và chính quốc bị bao vây, phong tỏa gay gắt. Tokyo giờ chỉ còn trông cậy vào lục quân trên đất liền châu Á và tinh thần hi sinh quên mình của 100 triệu thần dân của Thiên hoàng.[209]

Do không còn nhiều vũ khí để chống cự lại Đồng Minh, các tướng lĩnh Nhật Bản quyết định sử dụng thứ "vũ khí" duy nhất mà họ vẫn còn ưu thế hơn đối thủ, đó là tinh thần võ sĩ đạo, sẵn sàng quyết tử vì Thiên Hoàng của người Nhật. Thực tế chiến sự đầu năm 1945 cho thấy máy bay cảm tử Kamikaze là một vũ khí hiệu quả, tuy phải hy sinh hơn 3.900 phi công kèm máy bay nhưng đã gây thiệt hại nặng cho hải quân địch. Các tướng lĩnh Nhật Bản quyết định mở rộng quy mô chiến thuật cảm tử này, họ dự tính nếu hàng trăm nghìn người Nhật hy sinh cảm tử, mang bom cùng chết với địch thì rất có thể quân Mỹ-Anh sẽ không chịu nổi thương vong quá nặng, phải bỏ cuộc và đồng ý đàm phán hòa bình với điều kiện có lợi cho Nhật.

Phe quân sự Nhật đã phác thảo kế hoạch hành quân "Ketsu-Go" (Chiến dịch "Quyết định"), có thể xem như kế hoạch tử chiến tới cùng của toàn dân Nhật. Hơn 10.000 máy bay được tập trung, 2/3 được dùng để làm máy bay cảm tử đối đầu với quân Mĩ đổ bộ ở các đảo phía nam (Kyushu, Shikoku). Họ chỉ cần bay lên một chuyến, mang bom theo, lao vào hạm đội Hoa Kỳ. Thuốc nổ tối đa nhưng xăng chỉ đủ cho một chuyến bay đi, không trở lại. Một phần còn lại đón đánh Mĩ ở vùng phụ cận Tokyo. Đến tháng 7/1945, Nhật vẫn còn trong tay 12.725 máy bay các loại (ngoài ra, mỗi tháng lại chế tạo mới được khoảng 1.500 chiếc), gần như tất cả sẽ được dùng như máy bay cảm tử[210]

Ngoài các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom được chuyển thành kamikaze, từ tháng 3 năm 1945, Nhật chế tạo loại máy bay Yokosuka MXY7 Ohka, một loại hỏa tiễn có người lái chuyên dùng để tấn công cảm tử. Ohka có thể bay xa 35–40 km, vận tốc đạt 804 km/h khi bay và 1.040 km/h khi bổ nhào, nhanh hơn hầu hết các máy bay tiêm kích thời đó nên máy bay Mỹ khá khó để đánh chặn, nó mang theo đầu đạn nặng tới 800 - 1.200 kg, đủ để đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Đến tháng 8/1945, Nhật Bản đã chế tạo được 850 chiếc Ohka và dự kiến sẽ chế tạo tiếp hàng trăm chiếc mỗi tháng. Một loại máy bay chuyên dành cho tấn công cảm tử khác là Nakajima Ki-115 Tsurugi, chỉ gồm một động cơ đẩy đơn giản lắp trên khung gỗ, giá thành rẻ và dễ sản xuất, trong khi vẫn mang được 1 trái bom 800 kg đủ để đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Trong năm 1945, Nhật bắt đầu tích trữ hàng ngàn chiếc Tsurugi, Ohka để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của Đồng Minh. Nhật có kế hoạch chế tạo tới 8.000 chiếc Ki-115 mỗi tháng tại hàng trăm nhà máy trên cả nước[211] Mỗi đợt xuất kích cảm tử của 300-400 chiếc máy bay tấn công cùng lúc được Nhật dự tính sẽ gây ra tàn phá nặng nề cho hạm đội Mỹ-Anh[210]. Bộ chỉ huy Nhật dự tính rằng: cứ 6 chiếc máy bay cảm tử thì sẽ có 1 chiếc đánh trúng mục tiêu, như vậy nếu huy động 12.000 chiếc máy bay cảm tử thì sẽ đánh chìm hoặc đánh trọng thương khoảng 2.000 tàu của Mỹ-Anh, tức sẽ loại bỏ được 1/3 số tàu của lực lượng hải quân Mỹ-Anh.

Ngoài máy bay cảm tử Kamikaze, còn có nhiều vũ khí cảm tử khác trên biển. Tiêu biểu là tàu ngầm bỏ túi kiểu Koryu (dài 26 mét, nặng 60 tấn) do 5 người điều khiển, có thể chạy dưới nước 40 phút ở vận tốc 16 hải lý hoặc 50 giờ ở vận tốc 2,5 hải lý, mang theo 2 ngư lôi 457mm hoặc chở đầy thuốc nổ lao vào tàu địch. Mỗi tháng Nhật dự kiến sản xuất được 180 chiếc Koryu[212]. Nhật còn định chế tạo tàu ngầm mini cảm tử Kairyu (dài 17 mét, nặng 19 tấn, có thể lặn 70 km ở vận tốc 5,5 km/h, có hai người điều khiển, lắp 2 ngư lôi 457mm hoặc chở 600 kg thuốc nổ). Hải quân Nhật dự kiến ​​sẽ chế tạo được 540 chiếc Koryu và khoảng 740 chiếc Kairyu vào mùa thu năm 1945.[210] Ngoài ra còn có 650 "ngư lôi sống" Kaiten, mỗi ngư lôi phóng từ tàu ngầm ra có một người lái đâm vào tàu địch. Số "ngư lôi sống" dự kiến sẽ tăng lên 4.000. Các vũ khí cảm tử này chủ yếu dùng để tấn công tàu chở quân Mỹ đổ bộ. Trên mặt nước, Nhật chế tạo các xuồng cao tốc tấn công tự sát được gọi là "Shinyo", mỗi chiếc mang được 200 kg thuốc nổ chạy với tốc độ 30 hải lý/giờ, sẽ tấn công tàu đổ bộ của Mỹ từ các nơi cất giấu dọc theo bờ biển. Tổng cộng đã có 3.300 chiếc canô tự sát loại này được chế tạo.[210] Cuối cùng, ngay tại bờ biển sẽ có những thợ lặn tự sát được gọi là "Fukuryu", chuyên phục kích tàu địch ở khoảng 10 mét dưới nước. Mặc bộ đồ lặn và bình oxy, mỗi thợ lặn Fukuryu mang theo một lượng thuốc nổ khoảng 15 kg, được gắn trên một cây gậy có cầu chì tiếp xúc, anh ta sẽ lặn tới đáy tàu đổ bộ của địch và kích nổ. Hải quân Nhật hy vọng sẽ có 4.000 Fukuryu sẽ được đào tạo và trang bị vào tháng 10/1945[210].

Về tác chiến trên bộ, Nhật sẽ đưa ra tổng số 53 sư đoàn và 25 lữ đoàn độc lập, tổng cộng 2,35 triệu quân để chống Mĩ. Khoảng 1,25 triệu lính thuộc Hải quân do không còn tàu chiến nên cũng sẽ tác chiến trên đất liền cùng với lục quân. Ngoài ra còn động viên toàn thể nhân dân, nam từ 15 đến 60 tuổi, nữ từ 17 đến 45 tuổi, tổng cộng 28 triệu người vũ trang bằng mọi vũ khí có được, từ súng trường cho đến cung tên, gươm giáo. Bên cạnh đó, còn 4 triệu công nhân quốc phòng kết hợp thành các tiểu đoàn tác chiến độc lập, vừa sản xuất vừa tác chiến.

Thêm vào đó các lực lượng vũ trang Nhật còn 3 triệu quân đóng ở ngoài nước. Ngoài những địa bàn xa xôi như ở New Guinea, quần đảo Indonesia, Đông Dương, thì quân Nhật tập trung cao độ ở Đông bộ Trung Quốc, nhất là ở Mãn Châu và Triều Tiên. Xung kích của lục quân Nhật Bản là đạo quân Quan Đông, làm nhiệm vụ canh giữ kho quân giới của Thiên hoàng là 900.000 km2 xứ Mãn Châu, quân số lên đến gần một triệu người. Theo kế hoạch hành quân vào mùa hè 1945, thì khi Nhật Bản bị sụp đổ, đánh không lại, sẽ rút quân về Mãn Châu kháng cự đến cùng.

Chính phủ Nhật quyết định sẽ chiến đấu đến người cuối cùng và tin rằng quân Mỹ sẽ phải bỏ cuộc. Nếu thương vong khi tấn công vào đất Nhật trở nên quá nặng nề, dư luận Mỹ sẽ phản đối và buộc chính phủ Mỹ phải đàm phán, trên cơ sở đó Nhật có thể đưa ra những điều kiện đình chiến có lợi cho họ. Đại tướng Suzuki khi nhậm chức Thủ tướng đầu tháng 4/1945 tuyên bố: "Nếu tôi hy sinh, xin chư vị băng qua xác tôi mà tiến lên!". Bộ trưởng Lục quân Anami ra "Thông cáo gửi tướng sĩ toàn quân" kêu gọi: "Thề quyết bảo vệ vùng đất thiêng này, chiến đấu đến cùng, dù cho núi sông cây cỏ tan tành, hãy tin là từ chỗ chết sẽ tìm được đường sống".

Tháng 7/1945, Bộ chỉ huy Nhật ra kế hoạch[210]:

Về phía Đồng Minh, Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ trình lên Tổng thống Truman kế hoạch tấn công Nhật Bản, gọi là Chiến dịch Downfall. Kế hoạch chia làm 2 bước, gồm chiến dịch Olympic và chiến dịch Coronet (Vòng hoa), đều mở màn bằng đợt ném bom rải thảm dài ngày của máy bay lục quân cất cánh từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Mỹ dự kiến chiến dịch Olympic họ sẽ chịu thương vong 456 nghìn người, trong đó chết 109 nghìn; chiến dịch Coronet thương vong 1,2 triệu người, số chết là 267 nghìn. Đây chỉ là dự kiến tối thiểu, vì chưa lường hết khả năng của cách đánh tự sát của quân Nhật, chưa đánh giá được khả năng chiến đấu của gần 100 triệu thường dân Nhật.

Từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, đại biểu ba nước Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ đã họp hội nghị tại Potsdam, Đức để bàn về những vấn đề quan trọng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề nhanh chóng đánh bại đế quốc Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Ngày 26 tháng 7, Anh-Mỹ-Trung Hoa dân quốc đã thông qua và gửi cho Nhật Bản tuyên cáo Potsdam mang tính tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức. Tuyên cáo cũng đề ra một số biện pháp vận dụng cho nước Nhật sau khi đầu hàng, nhằm loại bỏ nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt và dân chủ hóa nước Nhật.[213] Tuyên cáo này đã đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản định thông qua con đường ngoại giao để chia rẽ khối Đồng Minh, trước hết là chia rẽ Liên Xô-Anh-Hoa Kỳ.[214]

Nhật Bản ngay trong ngày 26 tháng 7 đã nhận được lời tuyên cáo này và đã có những phản ứng khác nhau trong giới lãnh đạo. Trong khi chính phủ Nhật Bản không có phản ứng cụ thể thì phe quân phiệt lại cho rằng tuyên cáo láo xược và chính phủ cần bác bỏ ngay.[215] Chiều ngày 28 tháng 7, trong buổi họp báo, thủ tướng Kantaro Suzuki xin miễn bình luận (Mokusatsu) về bản tuyên cáo[216] và Nhật Bản vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh.

Giữa tháng 7 năm 1945, Hoa Kỳ đã thực hiện thí nghiệm thành công bom nguyên tử tại sa mạc Alamogordo, New Mexico. Để đẩy nhanh tốc độ kết thúc chiến tranh đồng thời thí nghiệm về hiệu quả thực tế của bom nguyên tử trước khi chiến tranh kết thúc, Mỹ quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, chiếc máy bay B-29 mang tên Enola Gay đã ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima, tạo nên thảm họa vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người. Ngày 9 tháng 8, tại Nagasaki, thảm họa trên lại lặp lại với quả bom nguyên tử Fat Man. Hai quả bom nguyên tử này đã giết chết trực tiếp hơn 240.000 người.[217] Ngoài ra, còn hàng triệu người khác bị tàn phế hoặc nhiễm phóng xạ từ 2 vụ nổ bom này.

Trong tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito nói rằng sự xuất hiện của thứ vũ khí mới là một trong các nguyên nhân thúc đẩy ông ra lệnh đầu hàng: "...Hơn nữa, đối phương bây giờ đã có một loại vũ khí mới và khủng khiếp với sức mạnh để tiêu diệt nhiều sinh mạng vô tội và làm thiệt hại khôn lường. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, không chỉ nó sẽ dẫn đến kết quả là một sự sụp đổ cuối cùng và xóa bỏ quốc gia Nhật Bản mà còn có thể dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn nền văn minh nhân loại...Đây là lý do vì sao chúng tôi đã ra lệnh chấp nhận các quy định trong Tuyên bố chung của các cường quốc (tuyên bố Postdam buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện)''

Tính cần thiết của 2 quả bom nguyên tử này trở thành một đề tài tranh luận lâu dài, trong đó những người phản đối cho rằng một cuộc phong tỏa đường biển cộng với các cuộc ném bom chiến lược là đủ để kết thúc chiến tranh bằng một cuộc đổ bộ, do đó ném bom nguyên tử là không cần thiết.[218] Ngược lại, những người ủng hộ sử dụng bom nguyên tử cho rằng nếu một cuộc đổ bộ của Đồng Minh xảy ra, tính luôn kế hoạch đổ bộ lên Hokkaidō của Hồng quân Liên Xô, hoặc một cuộc phong tỏa lâu dài và ném bom chiến lược sẽ còn làm tăng thêm mức thương vong của dân thường Nhật Bản.[217] Chưa kể, những chiến thuật tự sát kiểu như cuộc hành quân Ten-Go, Kamikaze và sự chống trả kiên cường của người Nhật qua trận Okinawa là nguyên nhân khiến Mỹ phải sử dụng bom nguyên tử để kết thúc nhanh cuộc chiến.[219]

Nhà sử học Samuel J. Walker, đã phân tích 5 lý do tại sao Mỹ đã chọn sử dụng bom nguyên tử đối với Nhật Bản:

Theo những thỏa thuận tại hội nghị Yalta, sau khi giành chiến thắng trước Đức Quốc xã ở châu Âu, Liên Xô có trách nhiệm chuẩn bị tác chiến với Đế quốc Nhật Bản. Tháng 4 năm 1945, Liên Xô tuyên bố xóa bỏ "Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô". Tháng 6, Liên Xô thành lập bộ tổng tư lệnh Viễn Đông đóng tại Sabarovsk do nguyên soái Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky đứng đầu đồng thời bí mật điều động từ mặt trận phía tây 750.000 quân sang mặt trận phía đông.[220] Từ tháng 5 đến tháng 8, 136.000 toa xe lửa đã được sử dụng để chuyển quân, vũ khí và các phương tiện chiến tranh đến sát Mãn Châu, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên.[203]

Bộ tư lệnh Hồng quân Liên Xô tại Viễn Đông có trong tay 3 phương diện quân, tổng cộng có 11 tập đoàn quân, 1 tập đoàn quân tăng thiết giáp, ba tập đoàn quân lính dù và một bộ phận quân Mông Cổ, tất cả có 1.740.000 quân.[221] Trong khi đó, Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản đóng tại Mãn Châu có 714.000 quân, ngoài ra còn có 170.000 quân Mãn Châu quốc và 44.000 quân Mông Cương (chư hầu của Nhật).[222] Quân Nhật xây dựng tại đây 17 vùng phòng thủ mạnh và 4 vùng ở Triều Tiên.[223] Quân đội Liên Xô trội hơn Nhật Bản về người gấp 1,6 lần, về đại bác gấp 4,8 lần, về xe tăng gấp 4 lần, về máy bay gấp 1,9 lần nên chiếm ưu thế tuyệt đối.[224]

Ngày 8 tháng 8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9 tháng 8, Hồng quân tổng tấn công quân Nhật trên 3 mặt trận: đông bắc Trung Quốc, Nam đảo Sakhaline và quần đảo Kurile.[225] Đến ngày 14, quân đội Liên Xô đã hoàn thành việc bao vây chia cắt quân đội Nhật ở Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm, Cáp Nhĩ Tân và Tề Tề Cáp Nhĩ,... Ngày 17 tháng 8, tư lệnh quân Quan Đông Otozō Yamada đề nghị ngừng bắn nhưng tại nhiều nơi quân Nhật vẫn chống cự quyết liệt.[226] Sáng 19 tháng 8, Hồng quân Liên Xô nhảy dù xuống Trường Xuân, chiếm bộ tư lệnh quân Quan Đông. Đại tướng Yamada cùng toàn thể bộ tư lệnh trao kiếm làm lễ đầu hàng.[227] Sau 10 ngày tác chiến, toàn bộ quân Nhật tại đông bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đầu hàng.[228] Ngày 25 tháng 8, 18.000 quân Nhật trên đảo Sakhaline đầu hàng. Ngày 28 tháng 8, Liên Xô chiếm quần đảo Kurile, bắt 80.000 tù binh.[229]

Kết quả là sau chiến dịch Mãn Châu, Hồng quân Liên Xô phối hợp cùng quân đội Mông Cổ đã giải phóng gần 1 triệu km² lãnh thổ Mãn Châu, Bắc Triều Tiên và một phần Nội Mông, một nửa đảo Sakhaline, quần đảo Kurile và bán đảo Liêu Đông.[229] Nhật Bản mất hơn 83.000 quân và 594.000 quân bị bắt làm tù binh. Ngoài ra, 200.000 quân Mãn Châu quốc cũng bị giải giới. Vụ ném bom nguyên tử của Hoa Kỳ cũng đã góp phần làm cho Chiến dịch Mãn Châu kết thúc mau chóng hơn. Nếu không có lệnh của Thiên hoàng kêu gọi hạ khí giới, đạo quân Quan Đông vẫn sẽ bị đập tan hoàn toàn nhưng tổn thất cho phía Liên Xô sẽ lớn hơn khi phải đương đầu với đội quân tinh nhuệ và cuồng tín nhất của Nhật Bản.

Ngay trong ngày 9 tháng 8, trong cuộc họp Hội đồng Chiến tranh Tối cao khai mạc lúc 10:30, thủ tướng Kantaro Suzuki đánh giá rằng "Việc Liên Xô tham chiến sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát, khiến cho chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh được nữa"[230] Để đưa ra quyết định cuối cùng, thủ tướng Suzuki đề nghị vào cung xin Thiên hoàng đưa ra "thiên đoán" (聖断, seidan, có nghĩa là "quyết định thiêng liêng"). Ngày 10 tháng 8, sau khi nghe tin về cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô và ý kiến của Hội đồng tối cao, Thiên hoàng Chiêu Hòa đưa ra lời phán:

Theo quan điểm của Ward Wilson thì các nhà lãnh đạo Nhật từ lâu đã kết luận: có thể đánh một trận quyết định chống lại một đại cường quốc tiến công từ một hướng, song không thể nào đánh lui hai đại cường quốc tiến công từ hai hướng khác nhau. Trong một cuộc họp của Hội đồng Tối cao vào tháng 6 năm 1945, họ đã nói rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến "sẽ quyết định số phận của cả Đế quốc". Chiến dịch Mãn Châu của Liên Xô đã làm tan biến mọi hy vọng kháng cự của Nhật Bản. Nhiều người tin rằng chiến dịch của Liên Xô mới thực sự là đòn chiến lược quyết định khiến Nhật Bản đầu hàng, còn 2 vụ ném bom nguyên tử của Mỹ thì không.[208]

Sau khi Liên Xô tham chiến, thủ tướng Suzuki muốn chấp nhận đầu hàng theo tuyên cáo Postdam chỉ với một điều kiện là quốc thể (kokutai) của Nhật (có nghĩa là vai trò của Thiên Hoàng) phải được duy trì.[232] Trong khi đó, Lục quân và Hải quân Nhật lại chỉ chấp nhận đầu hàng với 4 điều kiện bổ sung là[233]:

Ngày 11 tháng 8, chính phủ Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc đã trả lời không chấp nhận tuyên bố của Nhật, đồng thời một lần nữa khẳng định lại yêu cầu của Đồng Minh về việc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện và lưu ý chính phủ Nhật kể từ lúc đầu hàng, chính quyền của Nhật hoàng sẽ phục thuộc vào sự chỉ huy tối cao của các nước Đồng Minh và hình thức cai trị của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật quyết định theo tinh thần Tuyên bố Postdam.[234] Đồng Minh trả lời như vậy lại càng gây ra sự tranh cãi và bất đồng ý kiến trong giới cầm quyền Nhật.

Sáng ngày 14 tháng 8, với sự tham dự của Nhật hoàng Hirohito, cuộc họp của Hội đồng Tối cao về chiến tranh đã thông qua quyết định đầu hàng vô điều kiện của nước Nhật.[234] Một số sĩ quan cuồng tín nghe tin này đã cố dùng bạo lực để ngăn chặn nhưng cuộc nổi loạn sau đó đã bị dập tắt.[235] Nội các của thủ tướng Suzuki từ chức và ngày 17 tháng 8, hoàng thân Naruhiko Higashikuni đã đứng ra thành lập chính phủ mới.

12 giờ trưa ngày 15 tháng 8, đài phát thanh Tokyo đã truyền đi chiếu thư của Nhật hoàng về việc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.[236] Ngày 17 tháng 8, lệnh đầu hàng được đưa xuống cho quân Nhật còn đang đóng rải rác trên đất Nhật và ở nước ngoài. Qua đó, 3,3 triệu quân Nhật đang đóng ở nước ngoài đã lần lượt đầu hàng Đồng Minh.[237]

Sáng ngày 28 tháng 8, lực lượng đầu tiên của Sư đoàn không vận số 11 Hoa Kỳ đã đặt chân lên đất Nhật, mở đầu cuộc chiếm đóng của quân đội Mỹ đại diện cho Đồng Minh.[238] Chiều ngày 30 tháng 8, tướng Douglas MacArthur và Bộ tham mưu của ông đã tới và đặt Tổng hành dinh lâm thời tại Yokohama (sau dời về Tokyo).

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiếc thiết giáp hạm Missouri của Mỹ đậu trong vịnh Tokyo, dưới sự chủ tọa của tướng MacArthur, đại diện cho chính quyền Nhật là Mamoru Shigemitsu và đại diện cho Bộ tổng tham mưu Nhật là đại tướng Yoshijiro Umezu đã chính thức ký vào văn kiện đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.[239] Ngày này đã được tổng thống Mỹ Truman chính thức tuyên bố là Ngày V-J (Victory in Japan - Thắng lợi tại Nhật Bản).[240] Lễ ký kết này đã được tiến hành với sự có mặt của các đại diện các phái đoàn Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Pháp, Trung Quốc, Úc, Canada, New Zealand và Hà Lan.[241] Chiến tranh Thái Bình Dương và Chiến tranh thế giới thứ hai đến đây đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về phe Đồng Minh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, việc giải giáp quân đội Nhật đã được tiến hành trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Đông Dương, theo thỏa thuận tại hội nghị Postdam, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân Anh ở phía nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa Dân quốc ở phía bắc. Ngày 14 tháng 9, trung tướng Lư Hán được thống chế Tưởng Giới Thạch ủy nhiệm làm tư lệnh trưởng đến Hà Nội và trước đó vào ngày 12 tháng 9, tướng Anh Douglas Gracey đã đến Sài Gòn. Việc tổ chức hồi hương cho số quân Nhật chiếm đóng Đông Dương mãi tới ngày 26 tháng 3 năm 1946 mới kết thúc.[242]

Tại các khu vực còn lại ở Đông Nam Á, quân Nhật bị giải giáp lần lượt xuống tàu về nước gồm 14.367 quân ở Indonesia, 24.200 ở Singapore, 22.000 ở Mã Lai, 9.000 ở Thái Lan và 35.000 ở Miến Điện cho đến tháng 8 năm 1946. Việc hồi hương gần 1 triệu quân Nhật chiếm đóng ở Trung Quốc (không kể đạo quân Quan Đông) đến tháng 7 năm 1946 mới kết thúc.

Quân đội Úc phụ trách tước vũ khí và giải giáp 139.000 quân Nhật đóng tại đảo Borneo, New Guinea và các quần đảo Bismarck, Solomon.[242] Còn quân Mỹ phụ trách tước vũ khí và giải giáp 991.000 quân Nhật đóng tại Philippines, Nam Triều Tiên và một loạt quần đảo tại Thái Bình Dương.[243] Riêng quân đội Nhật Bản tại chính quốc tự giải giáp vũ khí và giải tán.

Trong quá trình hồi hương, đã có 15% số quân Nhật bị chết đói, chết rét và bệnh tật.[243] Đến tháng 1 năm 1947, Mỹ thông báo việc hồi hương quân Nhật đã kết thúc nhưng trên thực tế vẫn còn lính Nhật lẩn quất trong rừng rậm, không chịu đầu hàng cho đến nhiều năm sau chiến tranh. Người được coi là người cuối cùng của quân đội Nhật Bản thực hiện việc đầu hàng là một thiếu úy tên Onoda Hirō tại Philippines.[244] Ông chỉ chấp nhận hạ vũ khí theo lệnh của thượng cấp ngày 9 tháng 3 năm 1974.

Sự thất bại trong chiến tranh đã để lại cho Nhật Bản những hậu quả nặng nề: khoảng 3 triệu người chết và mất tích; mất hết các thuộc địa (chiếm 44% diện tích nước Nhật); kinh tế bị phá hủy nặng nề với 40% đô thị, 34% máy móc công nghiệp bị phá hủy; 13 triệu người thất nghiệp.[245] Việc mất các thuộc địa, nguồn cung lương thực lớn của Nhật trước chiến tranh cũng làm cho lương thực bị thiếu hụt trầm trọng. Sản xuất công nghiệp chỉ còn 10% so với trước chiến tranh.[246]

Từ cuối tháng 8 năm 1945, quân Đồng Minh, trên thực tế là quân đội Hoa Kỳ, đã chiếm đóng Nhật Bản cho đến năm 1952, đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản bị quân đội ngoại quốc thống trị.[247] Bộ Chỉ huy tối cao lực lượng Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers, gọi tắt SCAP) do tướng Douglas MacArthur đứng đầu đã cho tiến hành bài trừ chủ nghĩa quân phiệt và dân chủ hóa Nhật Bản.[248] Tòa án quân sự Viễn Đông đã được thành lập để xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản với 7 án tử hình (trong đó có Hideki Tojo) và 16 án chung thân.[249] Hiến pháp mới được ban hành vào tháng 5 năm 1947 thay thế cho hiến pháp Minh Trị năm 1889 và SCAP cũng cho giải tán các Zaibatsu và thực hiện cải cách ruộng đất.[250]

Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ đã mang lại những thay đổi quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ với Nhật. Hoa Kỳ không coi Nhật là một vùng đất cần chiếm đóng nữa mà coi nước này là đồng minh chủ yếu ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự vươn lên của một địch thủ to lớn là Trung Quốc.[247] Mặt khác, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì căn cứ quân sự ở Okinawa để làm căn cứ cho Hạm đội Thái Bình Dương, dù người Nhật địa phương đã nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ rút quân khỏi đây.

Tại Đông Nam Á, tận dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, nhiều nước đã đứng lên đấu tranh giành được độc lập dân tộc hoặc giải phóng phần lớn lãnh thổ.[251] Ngày 17 tháng 8, Indonesia tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Indonesia.[252] Tháng 8 năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền và đến ngày 2 tháng 9, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 12 tháng 10, đến lượt Lào tuyên bố độc lập. Mặc dù chưa giành được độc lập nhưng Miến Điện, Mã Lai và Philippines cũng đã giải phóng được nhiều vùng rộng lớn từ tay Nhật Bản.

Ngay sau đó, các nước Âu-Mỹ đã quay trở lại tái chiếm Đông Nam Á. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân Đông Dương đã thành công. Hà Lan phải công nhận Cộng hòa Liên bang Indonesia vào năm 1949. Nhiều quốc gia lần lượt được công nhận độc lập: Philippines (7-1946), Miến Điện (1-1948), Mã Lai (8-1957) và Singapore (6-1959). Tháng 1 năm 1950, Ấn Độ cũng tuyên bố độc lập.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Quốc dân Đảng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bắt đầu trở lại cuộc nội chiến từ tháng 7 năm 1946. Cuối năm 1949, cuộc nội chiến chấm dứt, lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc thua trận, phải rút chạy ra Đài Loan. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Trong khi đó, theo tinh thần của các hội nghị giữa các nước Đồng Minh, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành 2 miền theo đó Liên Xô chiếm đóng Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ chiếm đóng miền nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới.[253] Tháng 8 năm 1948, nhà nước Đại Hàn Dân quốc được thành lập. Đến tháng 9 cùng năm, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra đời. Tháng 6 năm 1950, cuộc Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ với lực lượng hỗ trợ chính cho Bắc Triều Tiên là Chí nguyện quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sự tham gia hạn chế của Liên Xô còn Hàn Quốc được lực lượng Liên hiệp quốc hỗ trợ, chủ yếu là quân đội Hoa Kỳ. Chiến tranh kéo dài đến tháng 7 năm 1953 sau khi hai bên ký kết hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm.

Tàu ngầm Hoa Kỳ, giống như một số tàu khác của Anh và Hà Lan, cũng hoạt động từ căn cứ tại Cavite, Philippines, Fremantle, Brisbane tại Úc; Trân Châu cảng; Trincomalee, Ceylon tại Ấn Độ; đảo Midway; và sau này là Guam. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hải quân Mỹ có 55 tàu ngầm hạm đội và 18 tàu ngầm cỡ trung ở Thái Bình Dương, 38 tàu ngầm ở nơi khác và 73 chiếc đang được chế tạo (Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đã đóng được thêm 228 tàu ngầm).

Lực lượng này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh bại Nhật Bản mặc dù số lượng tàu ngầm chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong lực lượng hải quân Đồng Minh, mà như của Hoa Kỳ là thấp hơn 2%.[254] Các tàu ngầm Hoa Kỳ đã khống chế đường biển khi đánh chìm tàu buôn, tàu chở quân và đặc biệt là các tàu chở dầu, làm ảnh hưởng đến việc vận hành khí tài quân sự và các chiến dịch quân sự của quân Nhật. Hậu quả là đến đầu năm 1945, các kho xăng dầu của quân Nhật đều cạn sạch. Phía Nhật Bản khẳng định đã đánh chìm 468 tàu ngầm Đồng minh[255] trong khi thật sự chỉ có 42 tàu ngầm Mỹ bị đánh chìm tại Thái Bình Dương, 10 chiếc khác bị tai nạn, bị chìm ở Đại Tây Dương hoặc do hậu quả của việc bắn nhầm.[256][257] Ngoài ra, có 3 tàu ngầm Anh bị đánh chìm. Đến cuối cuộc chiến, vào tháng 8 năm 1945, đội tàu vận tải Nhật Bản chỉ còn chưa đầy 1/4 lượng trọng tải vào tháng 12 năm 1941. Nhìn chung, các tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ đã đánh chìm 1.314 tàu vận tải của Nhật Bản, cũng như khoảng 200 tàu chiến. Trong số đó, lớn nhất phải kể là 2 tàu sân bay Shōkaku và Shinano, và thiết giáp hạm Kongō. Tàu ngầm Anh thì ít thành tích hơn tàu ngầm Mỹ, thành tích tốt nhất là việc tàu ngầm Anh HMS Trenchant (mã hiệu P331) đánh chìm tàu tuần dương Ashigara của Hải quân Nhật.

Các tàu ngầm Đồng Minh không áp dụng chiến thuật phòng thủ thụ động chờ đối phương mà chủ động tấn công. Vài giờ sau cuộc tấn công Trân Châu cảng, Roosevelt đã ra lệnh áp dụng học thuyết mới: một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế chống lại Nhật Bản. Điều này có nghĩa là mọi chiến hạm, tàu buôn và tàu chở khách của phe Trục sẽ bị đánh chìm, không cảnh báo trước và cũng không cứu hộ những người sống sót. Người Mỹ qua hành động này đã thay đổi lập trường đối với cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế. Sau chiến tranh, khi mà vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và các vụ ném bom dân thường khác bị lên án mạnh mẽ thì lại không ai chỉ trích Roosevelt vì chính sách sử dụng tàu ngầm này của ông. (Hai đô đốc Đức Erich Raeder và Karl Dönitz khi bị đem ra xét xử tại Tòa án Nuremberg vì vi phạm luật pháp quốc tế thông qua chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, đã được miễn tội sau khi chứng minh được các tàu buôn Đồng minh là những mục tiêu quân sự hợp pháp, theo luật của thời chiến).

Theo tính toán, các tàu ngầm Hoa Kỳ chiếm 56% trong số các tàu buôn, tàu vận tải của Nhật Bản bị đánh chìm; hầu hết số còn lại đều bị tiêu diệt bởi thủy lôi và máy bay.[256] Các tàu ngầm này còn khẳng định đã đánh chìm 28% số tàu chiến Nhật.[258] Cuộc chiến chống lại vận tải biển là yếu tố quyết định nhất trong sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật Bản. Các tàu ngầm đồng minh cũng đánh chìm một số lượng lớn tàu vận tải chở quân, giết chết hàng ngàn binh sĩ Nhật Bản và làm cản trở việc triển khai quân tiếp viện của Nhật Bản trong các trận chiến trên các đảo Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tàu ngầm Đồng Minh còn đóng vai trò trinh sát, như trong trận đánh ở biển Philippines và vịnh Leyte, khi đã cung cấp chính xác thời gian và cảnh báo về hướng tiến của hạm đội Nhật. Chưa kể hàng ngàn phi công Đồng Minh bị bắn hạ rơi xuống biển đã được cứu bởi lực lượng tàu ngầm.

Hải quân Nhật Bản cũng có một số lượng lớn tàu ngầm và được trang bị ngư lôi tốt nhất thời đó, Ngư lôi Oxy loại 93, nhưng chúng lại không tạo được ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến cuộc chiến. Năm 1942, các tàu ngầm Nhật đã hoạt động rất tốt khi đánh chìm hoặc làm bị thương nhiều tàu chiến Đồng Minh. Tuy nhiên, Hải quân Đế quốc Nhật Bản lại áp dụng một học thuyết như của hải quân Mỹ trước chiến tranh là để nắm được quyển khống chế biển, phải dựa vào lực lượng hạm đội tàu nổi hùng mạnh chứ không bằng việc đánh phá các tuyến vận tải biển. Do đó, mặc dù người Mỹ có một tuyến vận tải không thường xuyên từ bờ biển phía tây đến mặt trận dễ bị tàu ngầm tấn công nhưng các tàu ngầm Nhật Bản lại chỉ sử dụng trong vai trò trinh sát tầm xa và thỉnh thoảng mới tấn công các tuyến vận tải Mỹ. Các hoạt động của tàu ngầm Nhật trong vùng biển nước Úc vào năm 1942 và 1943 cũng chỉ đạt được một số thành quả nhỏ.[259] Khi chiến cuộc trở nên bất lợi đối với người Nhật, các tàu ngầm Nhật chuyển sang vai trò cung cấp tiếp liệu cho các căn cứ đã bị phong tỏa như Truk và Rabaul. Ngoài ra, mặc dù là đồng minh với Đức, Nhật Bản lại tôn trọng hiệp ước với Liên Xô mà bỏ qua hàng triệu tấn hàng tiếp liệu chiến tranh của Mỹ cho Liên Xô từ San Francisco đến Vladivostok.[260] Trong toàn cuộc chiến, tàu ngầm Nhật đánh chìm được 184 tàu buôn với tổng cộng khoảng 1 triệu tấn tải trọng, cộng thêm khoảng vài chục tàu chiến đối phương (bao gồm 2 tàu sân bay cỡ lớn), thành tích này bị coi là không tương xứng khi so với số lượng tàu ngầm Nhật tham chiến (trong đó 130 tàu ngầm Nhật đã bị mất).

Hải quân Mỹ, tương phản với người Nhật, tin tưởng vào hiệu quả của việc đánh phá vận tải biển ngay từ khi chiến tranh bắt đầu. Tuy nhiên, việc quân Đồng Minh bị bao vây ở Philippines trong giai đoạn đầu chiến tranh đã khiến họ phải phân tán lực lượng tàu ngầm vào các nhiệm vụ đánh lén. Ngoài ra, tàu ngầm xuất phát từ các căn cứ ở Úc luôn nằm dưới sự đe dọa của không quân Nhật khi thực hiện các chuyến tuần tra làm giảm hiệu quả hoạt động nên đô đốc Nimitz chỉ tin tưởng tàu ngầm ở nhiệm vụ giám sát các căn cứ của địch. Một nguyên nhân nữa là Ngư lôi Mark 14 và ngòi nổ Mark VI trang bị cho các tàu ngầm đều hoạt động kém hiệu quả, thường xuyên bắn trật mục tiêu và phải đến tháng 9 năm 1943, các khuyết điểm mới được khắc phục. Rồi trong giai đoạn trước chiến tranh, một nhân viên của Sở Quan thuế Hoa Kỳ (United States Customs Service) đã lấy được một bản sao chép mật mã thương mại đường biển của Nhật (gọi là mật mã Maru), mà không hề biết rằng Cơ quan Tình báo Hải quân (ONI) đã bẻ khóa được[261] Chính quyền Nhật Bản biết được việc này đã nhanh chóng đổi khóa mã mới và khóa mã mới này chỉ bị phá vào năm 1943.

Do những nguyên nhân trên, phải đến năm 1944, Hải quân Mỹ mới sử dụng tối đa hiệu quả 150 tàu ngầm của mình: các máy radar được gắn lên tàu, chỉ huy thiếu tinh thần chiến đấu bị thay thế và khắc phục lỗi ngư lôi. Trong khi đó, việc bảo vệ các chuyến vận tải biển của Nhật là rất kém hiệu quả do các chiến thuật chống tàu ngầm yếu kém.[262] Do đó, số lượng các chuyến tuần tra và số lượng các tàu bị đánh chìm bởi tàu ngầm Hoa Kỳ ngày càng tăng nhanh chóng: 350 chuyến (180 tàu chìm) năm 1942, 350 (335) năm 1943 và 520 (603) năm 1944.[263] Năm 1942, tàu ngầm Hoa Kỳ đã đánh chìm 4.047 tấn, năm sau lên đến 388.016 tấn chỉ riêng tàu chở dầu, và một con số gấp đôi vào năm 1944.[121] Đến năm 1945, số lượng và tải trọng tàu bị đánh chìm giảm xuống do các mục tiêu không còn dám ra mặt biển nữa. Tổng cộng, tàu ngầm Đồng Minh đã đánh chìm khoảng 200 tàu chiến, 1.314 thương thuyền Nhật với tổng tải trọng khoảng 5,2 triệu tấn. Hầu hết là các tàu chở hàng nhỏ, nhưng trong đó có 124 tàu chở dầu đang chở nhiên liệu cần thiết từ Đông Ấn (Nam Dương). 320 chiếc khác là tàu chở khách hoặc chở quân. Trong các chiến dịch tại Guadalcanal, Saipan và Leyte, hàng ngàn lính Nhật đã bị giết hoặc buộc phải đổi hướng trước khi đến được nơi cần đổ bộ do tàu chở quân bị đánh chìm. Khoảng 200 chiến hạm Nhật bị tàu ngầm đánh chìm, từ các tàu khu trục, tàu thả thủy lôi, tàu săn tàu ngầm cho đến tuần dương hạm, 1 thiết giáp hạm và khoảng 8 hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, tổn thất về người của lực lượng tàu ngầm cũng không hề nhỏ; trong số 16.000 nhân viên tàu ngầm Mỹ tham gia vào công việc tuần tra, 3.500 người trong số họ (22%) đã không bao giờ trở về, tỉ lệ thương vong cao hơn bất kì một lực lượng nào khác trong quân đội Mỹ.[264] Tổn thất của Nhật, 130 tàu ngầm,[265] thậm chí còn cao hơn.

Một tàu ngầm Đức, U-862, đã hoạt động tại Thái Bình Dương trong suốt cuộc chiến, tuần tra dọc theo bờ biển phía đông nước Úc và New Zealand vào tháng 12 năm 1944 và tháng 1 năm 1945. Nó đã đánh chìm được một tàu trước khi bị gọi về Batavia.[266]

Số liệu tàu vận tải Nhật trong Thế chiến 2 (tính theo tấn tải trọng, theo JANAC[267]

Một tài liệu Nhật báo cáo rằng 15.518 tàu dân sự đã bị chìm trong chiến tranh[268] JANAC báo cáo rằng trong suốt chiến tranh, 2.117 tàu vận tải Nhật đã chìm với tổng tải trọng 8.040.851 tấn và 611 tàu của Hải quân Nhật đã chìm với tổng tải trọng 1.851.450 tấn.[269]

Xem thêm tổn thất về tàu chiến và tài vận tải biển của Nhật Bản trong giai đoạn 1941-1945[270] và tải trọng tàu mà các tàu ngầm Mỹ khẳng định đã đánh chìm hay làm bị thương giai đoạn 1941-1945.[271] Ủy ban đánh giá liên quân Hải - Lục ước định thành tích của các tàu ngầm Mỹ.[272]

Kamikaze (Thần phong) là tên gọi một chiến thuật tấn công đặc biệt mà không quân Nhật áp dụng trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo chiến thuật này, một phi công sẽ lái máy bay của mình, thường là máy bay tiêm kích hay máy bay ném bom hạng nhẹ[273] chở đầy thuốc nổ, bom, ngư lôi và bình xăng đâm vào chiến hạm đối phương. Ngoài các đội Kamikaze đánh tàu chiến, còn có một bộ phận nhỏ các phi đội Kamikaze khác có nhiệm vụ phòng không, họ sẽ lao máy bay của mình vào các pháo đài bay B-29 của Mỹ.

Tên gọi Kamikaze còn được dùng để chỉ chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ đó. Từ Kamikaze bắt nguồn từ tên một trận bão lớn đã đánh chìm toàn bộ đoàn thuyền chiến của đế quốc Mông Cổ, cứu nước Nhật khỏi họa xâm lăng vào thế kỷ XIII. Ngoài các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom được chuyển thành Kamikaze, từ tháng 3 năm 1945, người Nhật đã cho xuất hiện vũ khí mới là Yokosuka MXY7 Ohka, thực chất là một loại bom lượn có người lái, phóng đi từ máy bay mẹ và người cảm tử quân ngồi bên trong sẽ điều khiển Ohka đánh trúng mục tiêu.

Phi đội Kamikaze đầu tiên đã được thành lập tại phi trường Mabalacat, trên đảo Luzon, Philippines và người được xem là cha đẻ của chiến thuật này là đô đốc Onishi Takijiro. Cuộc tấn công chính thức đầu tiên của một phi đội Kamikaze diễn ra vào ngày 25 tháng 10 năm 1944 trong trận hải chiến vịnh Leyte và đã đánh chìm tàu sân bay hộ tống USS St. Lo. Tuy nhiên, chiến thuật Kamikaze cũng đã không thể cứu vãn thất bại của Nhật Bản tại Philippines.

Trong trận Okinawa, chiến thuật Kamikaze đã trở thành quốc sách và là một phần của chiến lược trong trận đánh. Kể từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 22 tháng 6, các Kamikaze đã đánh chìm 30 chiến hạm các loại của hải quân Hoa Kỳ, làm trọng thương 223 hạm tàu khác. Số binh lính và sĩ quan hải quân Đồng Minh tử trận lên đến 4.907 người và 4.824 người khác bị thương.[274]

Để chống lại các Kamikaze, hải quân Đồng Minh đã sử dụng nhiều biện pháp trong đó thành công nhất là bố trí các khu trục hạm bao quanh soái hạm để tạo nên một lưới lửa phòng không ngăn chặn các Kamikaze tiến đến mục tiêu là kho xăng dầu. Việc chỉ được huấn luyện sơ sài cũng khiến phi công Kamikaze trở thành mồi ngon cho các phi công Đồng Minh lão luyện và được trang bị máy bay tốt hơn. Tuy nhiên, theo thống kê của không lực Hoa Kỳ sau khi chiến tranh kết thúc, có đến 14% Kamikaze sống sót và đánh trúng tàu Mỹ; gần 8,5% số tàu bị Kamikaze đánh trúng bị chìm.[275]

Nhà báo người Úc Denis và Peggy Warner, trong cuốn sách in năm 1982 với sử gia hải quân Nhật Seno Sadao (The Sacred Warriors: Japan’s Suicide Legions), đưa ra con số 57 tàu bị kamikazes đánh đắm. Tuy nhiên, Bill Gordon, một nhà Nhật Bản học người Mỹ chuyên gia về kamikaze, cho biết có 49 tàu bị kamikaze đánh đắm[276]. Trong số các tàu bị đánh chìm có 3 chiếc tàu sân bay hộ tống và 14 tàu khu trục, còn lại là tàu vận tải. Ngoài số tàu bị đánh chìm, các kamikaze đã đánh hỏng 368 tàu khác (một số tàu trong số đó bị đánh hỏng nhiều lần), bao gồm 39 lượt tàu sân bay bị đánh hỏng (gồm 15 lượt tàu sân bay hộ tống, 3 tàu sân bay hạng nhẹ và 21 lượt tàu sân bay cỡ lớn), nhiều tàu trong số đó bị hỏng rất nặng. Để đạt được thành quả ấy, người Nhật đã mất hơn 3.900 máy bay kamimakze các loại và số phi công tương ứng trong toàn cuộc chiến, nhưng họ vẫn không thể đảo ngược tình thế ở Okinawa cũng như toàn bộ cuộc chiến.

Trong số tàu bị đánh trúng, khoảng 8,5% bị chìm, tất cả đều là các tàu cỡ vừa hoặc nhỏ (có choán nước dưới 10.000 tấn). Tỷ lệ tàu chìm khá thấp là do các máy bay kamikaze tấn công theo kiểu bổ nhào từ trên cao xuống, lao vào tàu từ phía trên. Những đòn tấn công vào các khu vực phía trên mớn nước kiểu này ít khi có khả năng làm chìm tàu cỡ lớn, bởi ít làm hư hại lườn tàu. Tuy nhiên, vụ nổ do chiếc máy bay lao vào tàu có thể gây ra những đám cháy dữ dội tàn phá cấu trúc thượng tầng của con tàu, làm các thiết bị, vũ khí và máy móc bị hư hỏng. Nhiều con tàu bị kamikaze đánh trúng vẫn nổi và không được tính là chìm, nhưng thực ra chúng bị hư hại rất nặng, chi phí sửa chữa và thiệt hại nhân mạng rất lớn. Ví dụ như chiếc tàu sân bay USS Bunker Hill (CV-17) bị đánh trúng vào ngày 11/5/1945, tàu không chìm nhưng đã có 389 người chết và 264 bị thương, và phải mất 4 tháng để sửa chữa hư hại.

Chiến thuật này chỉ chính thức chấm dứt từ ngày 15 tháng 8 năm 1945, ngày Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đô đốc Ōnishi đã mổ bụng tự sát với mong muốn cái chết của mình sẽ là sự tạ tội trước những phi công Kamikaze đã hy sinh và những gia đình của họ.

Ngoài Kamikaze, người Nhật còn có một số chiến thuật tấn công tự sát khác. Hải quân Đế quốc Nhật Bản có Kairyu, một kiểu tàu ngầm được trang bị 2 ngư lôi và 600 kg chất nổ dùng trong các nhiệm vụ tự sát. Ngoài ra còn có Kaiten ("Hồi thiên" tức là xoay trời), một kiểu ngư lôi có một người ngồi bên trong và sẽ lái nó lao thẳng vào tàu địch sau khi được phóng ra từ các chiến hạm hoặc tàu ngầm; Shinyo, một kiểu ngư lôi đỉnh phía trước mũi chứa đầy chất nổ cực mạnh, có thể đạt đến tốc độ 28 hải lý hay Fukuryu, những người nhái sẽ mang một khối thuốc nổ lặn xuống đáy biển để gắn vào chân vịt hoặc bánh lái tàu của địch quân.

Được sử dụng từ cuối năm 1944, Kaiten đã đánh chìm tổng cộng một tàu khu trục hộ tống, một tàu chở dầu cỡ lớn và một tàu đổ bộ chở lính, đồng thời gây hư hại cho vài tàu khác, gây ra cái chết của 187 quân nhân Mỹ. Đổi lại, 104 chiếc Kaiten cùng người lái của chúng đã thiệt mạng. Nhìn chung, Kaiten các phiên bản đầu được coi là có hiệu quả thấp, dễ bị hỏng hóc nên tỷ lệ đánh trúng mục tiêu thấp, các phiên bản cải tiến đã được phát triển nhưng chưa đi vào tham chiến thì Nhật Bản đã đầu hàng.

Trong các trận đánh trên bộ, Lục quân Đế quốc Nhật Bản còn sử dụng các cuộc "Tấn công Banzai" (萬歳突撃?). Đây là tên gọi cho chiến thuật biển người được thực hiện bởi lính Nhật nhằm tránh phải đầu hàng, bị bắt làm tù binh và nhất là bảo toàn danh dự cho quân đội Thiên hoàng sau khi thất trận. Sở dĩ quân Đồng Minh gọi tên chiến thuật tấn công này là "Tấn công Banzai" vì quân Nhật vừa tấn công, vừa hô to Tennōheika banzai! (天皇陛下萬歳!, Tennōheika banzai!?), nghĩa là "Thiên hoàng vạn tuế!".[277] Chiến thuật này được sử dụng lần đầu trong trận Attu năm 1943 và được sử dụng thường xuyên cho đến trận Okinawa vào năm 1945.

Fu-Go (Tiếng Nhật:風船爆弾 fūsen bakudan, nghĩa là vũ khí mượn sức gió) hay khinh khí cầu mang bom là một thứ vũ khí đặc biệt được Nhật Bản sử dụng để tấn công chính quốc Hoa Kỳ bằng đường không nhằm đáp trả lại cuộc oanh kích Tokyo vào năm 1942. Trong cuốn sách tựa đề "Fu-Go: Lịch sử kỳ lạ của cuộc tấn công bằng bom khí cầu của Nhật Bản nhằm vào nước Mỹ", tác giả Ross Coen mô tả loại vũ khí này là "Tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới".

Chiến dịch này được Đế quốc Nhật Bản lên kế hoạch từ năm 1944, nhằm lợi dụng những dòng khí di chuyển sang phía đông ở độ cao hơn 9 km để trả đũa các vụ không kích của Hoa Kỳ. Nhật Bản có rất ít lựa chọn để tấn công vào đất liền của nước Mỹ, bởi họ đã mất nhiều tàu sân bay trong các cuộc hải chiến với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Năm 1942, tàu ngầm của nước này đã âm thầm tiến sát bờ biển nước Mỹ và oanh tạc các mục tiêu ở bang Oregon và California nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể và đến năm 1944, các cuộc tấn công kiểu này không còn khả thi. Phòng nghiên cứu Kỹ thuật Quân đội Số 9 của Đế quốc Nhật Bản đã tạo ra các khinh khí cầu dùng khí hydro nhẹ nhưng bền chắc từ loại giấy bằng gỗ dâu tằm mang theo các vũ khí như mìn sát thương 15 kg, các quả bom cháy loại 5 kg hay 12 kg, nhờ sử dụng các bao cát để giữ thăng bằng và một đồng hồ kiểm soát độ cao với những quả bom có được treo vòng quanh, chúng mất 30-60 giờ để bay tới bờ biển nước Mỹ. Những khinh khí cầu được thiết kế rất khéo léo, giúp chúng bay cao vào ban ngày và hạ thấp vào ban đêm nhờ một đồng hồ đo khí áp giúp kiểm soát trần bay.

Kế hoạch được thực hiện thành 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6 năm 1944 với 200 quả nhưng khí cầu đã không đến được mục tiêu.[278] Đợt 2 số lượng lớn hơn rất nhiều, lên đến 9.300 quả nhưng chỉ một số ít rơi xuống các bang Oregon, Michigan và gây tổn thất không đáng kể, chỉ gây ra thiệt hại nhỏ, một phần do khí hậu mùa đông ẩm ướt đã dập tắt các ngọn lửa.[279] Sau khi phát hiện, Hoa Kỳ đã huy động hàng nghìn quân và nhiều phi đội máy bay tìm kiếm, ngăn chặn khinh khí cầu bay vào nội địa.

Ngày 10 tháng 3 năm 1945, một khinh khí cầu loại này đã làm hỏng tuyến dây điện chính kết nối từ Đập Grand Coulee trên sông Columbia gây chập điện và tắt nguồn cung cấp cho nhà máy làm mát của cơ sở Hanford - một cơ sở hạt nhân khi đó đang sản xuất plutonium cho quả bom nguyên tử phá hủy thành phố Nagasaki sau này. Công việc bị gián đoạn trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, sự bưng bít của truyền thông Hoa Kỳ khi đó đã khiến người Nhật không hề hay biết hiệu quả của những nỗ lực trả đũa bằng khinh khí cầu. Báo chí không đưa tin về những vụ nổ để ngăn không cho người Nhật biết rằng các vũ khí thử nghiệm của họ trên thực tế đã bay đến được nước Mỹ. Có vẻ như quân đội Nhật đã thất vọng với kết quả của chiến dịch và từ bỏ hoạt động này vài tháng trước khi đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 9 năm 1945.

Năm 1950, một tượng đài được dựng lên gần nơi nổ bom khí cầu để tưởng niệm những nạn nhân ở Oregon, mang tênTượng đài Mitchell với dòng chữ khắc:"Nơi duy nhất trên đất Mỹ xảy ra cái chết do hành động của kẻ thù trong Thế chiến thứ II".[280] Ngày nay, Bảo tàng hạt Klamath và một bảo tàng khinh khí cầu ở Albuquerque vẫn trưng bày những quả bom khinh khí cầu chưa phát nổ của Nhật Bản.[281]

Đơn vị 731 (731部隊 (731 bộ đội)/ ななさんいちぶたい, Nana-san-ichi butai?, tiếng Trung: 731部队) Là một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, đơn vị này đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1937-1945) và chiến tranh thế giới thứ hai. Đơn vị 731 được điều hành bởi tư lệnh Ishii Shiro đến tận khi kết thúc chiến tranh. Đơn vị 731 là cơ quan đầu não của nhiều đơn vị khác phục vụ cho Đế quốc Nhật trong việc nghiên cứu vũ khí sinh học; bao gồm Đơn vị 516 (Tề Tề Cáp Nhĩ), Đơn vị 543 (Hải Lạp Nhĩ), Đơn vị 773 (Songo unit), Đơn vị 100 (Trường Xuân, Cát Lâm), Unit Ei 1644 (Nam Kinh), Đơn vị 1855 (Bắc Kinh), Đơn vị 8604 (Quảng Châu), Unit 200 (Mãn Châu) và Đơn vị 9420 (Singapore). Nó được coi là một trong những tội ác chiến tranh khét tiếng nhất của người Nhật.

Trong Chiến tranh Trung-Nhật và cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã dùng mầm bệnh dịch hạch, bệnh tả, đậu mùa, bệnh than cũng như một số bệnh khác vào những quả bom thả xuống hàng ngũ binh sĩ và kể cả dân thường Trung Quốc.[282]

Trong vài tháng đầu chiến tranh với Hoa Kỳ sau vụ tấn công Trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học chống lại người Mỹ. Trong Trận Bataan vào tháng 3 năm 1942, người Nhật toan tính thả hơn 90 kg bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch và khoảng 150 triệu côn trùng. Tuy nhiên, sự đầu hàng của các lực lượng Mỹ khiến kế hoạch không cần thiết.

Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà khoa học thuộc Đơn vị 731 đã phá hủy hầu hết bằng chứng của chương trình. Tuy nhiên, một số động vật thử nghiệm bị nhiễm bệnh đã được thả ra gây bệnh dịch hạch cho khoảng 30.000 người tại Bình Phòng (Cáp Nhĩ Tân) trong vòng 3 năm đầu tiên sau chiến tranh.[282]

Theo Hội thảo quốc tế về tội ác của chiến tranh vi khuẩn năm 2002, số người bị giết bởi Quân đội Đế quốc Nhật qua thử nghiệm vi khuẩn trên người là khoảng 580.000. Theo các nguồn khác, "hàng chục ngàn, và có lẽ có tới 400.000 người Trung Quốc đã chết vì bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh than và các bệnh khác" do chiến tranh sinh học.[282]

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Mỹ cảm thấy hứng thú với những kết quả thí nghiệm vũ khí sinh học của Đơn vị 731. Để đổi lấy thông tin, chính quyền Mỹ đã ém nhẹm tội ác của Đơn vị 731, đồng thời miễn truy cứu trách nhiệm đối với tướng Ishii Shiro cùng với những kẻ liên quan bất chấp sự phản đối của Liên Xô. Tướng Shiro Ishii qua đời trong yên bình ở tuổi 67. Nhiều nhà khoa học Nhật tham gia Đơn vị 731 cũng được Mỹ miễn truy tố tội ác chiến tranh và về sau có những người đã có được sự nghiệp lớn về chính trị, học thuật, kinh doanh và y tế.[282]

Mặt trận Đông Nam Á: 8 tháng 12 năm 1941 – 15 tháng 8 năm 1945

Chiến dịch quần đảo Gilbert và Marshall

Chiến dịch quần đảo Mariana và Palau

Chiến dịch quần đảo Ogasawara và Ryukyu

Con tin của hai “người khổng lồ”

Đây là lần đầu tiên trong 29 năm kể từ khi Diễn đàn thành lập, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC không đưa ra được Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, do bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại. Thay vào đó, Thủ tướng nước chủ nhà Peter O’Neill ra Tuyên bố Chủ tịch nhằm tổng kết 2 ngày họp. Tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Hội nghị, giải thích lý do Hội nghị  Cấp cao APEC 2018 không đưa ra Tuyên bố chung, Thủ tướng Peter O’Neil cho biết: “Bạn biết đấy, có đến hai người khổng lồ trong phòng”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Rimbink Pato, xung đột về tầm nhìn khiến các thành viên không thể thống nhất dự thảo Tuyên bố chung, nhất là khi Trung Quốc và Mỹ hé lộ những tham vọng cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời không có dấu hiệu giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, Hội nghị Cấp cao APEC đã chứng kiến cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sử dụng bài phát biểu tại Diễn đàn để công kích chính sách thương mại của nhau.

Điều đáng nói là ngay cả khi Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26 đã khép lại, tranh cãi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn không ngừng, khi cả Trung Quốc và Mỹ đổ lỗi cho bên còn lại. Trong tuyên bố được đăng trên trang mạng chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng, thất bại của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC không nhất trí được Tuyên bố chung là do một số nền kinh tế muốn áp đặt chủ nghĩa bảo hộ và lập trường đơn phương trong dự thảo văn kiện này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Naeuert khẳng định, Mỹ hoàn toàn sẵn sàng đồng thuận về dự thảo tuyên bố của APEC, nhất trí thúc đẩy thương mại tự do và công bằng. “Thật không may là không phải tất cả các nền kinh tế đều ủng hộ lập trường này” - bà Naeuert cho biết.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 không chỉ bị biến thành vũ đài khẩu chiến, mà còn trở thành “con tin” trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo South China Morning Post, nguyên nhân khiến Hội nghị Cấp cao APEC tại Papua New Guinea không ra được Tuyên bố chung bắt nguồn từ một câu trong dự thảo Tuyên bố chung, đề cập cụm từ “những hành vi thương mại thiếu công bằng”. Cụm từ này hay được Mỹ sử dụng để viện dẫn lý do cho cuộc chiến áp thuế mà Washington khơi mào với Bắc Kinh kể từ đầu năm. Trung Quốc không đồng tình với ngôn từ được sử dụng ở phần kết luận của dự thảo Tuyên bố chung, trong khi 20 nền kinh tế khác đều ủng hộ bản dự thảo.

Giới quan sát ngoại giao cho rằng, không khí căng thẳng tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua không chỉ phản ánh cuộc chiến thương mại đang leo thang Mỹ - Trung Quốc, mà cả sự đối đầu địa chính trị ngày càng tăng giữa hai cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm khi Phó Tổng thống Pence nói rằng, Mỹ sẽ mang đến “lựa chọn tốt hơn” cho các quốc gia trong khu vực và công bố kế hoạch cùng với các đồng minh chủ chốt ở Thái Bình Dương đầu tư xây dựng mạng lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD tại Papua New Guinea. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của kế hoạch đối phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ còn phối hợp với Australia tái phát triển một căn cứ hải quân và tổ chức cuộc họp của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, với mục tiêu kiềm chế sức mạnh kinh tế - quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đầu tháng 11 vừa qua, cựu Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đã cảnh báo nguy cơ “tấm rèm sắt về kinh tế” chia rẽ thế giới, nếu Mỹ và Trung Quốc không thể thu hẹp bất đồng chiến lược. Điều này có thể khiến hai nền kinh tế lớn nhất từ chối trao đổi công nghệ, vốn và đầu tư, đảo ngược những thành tựu kéo dài hàng thập kỷ qua từ việc toàn cầu hóa. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại mối lo ngại trên và cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ -Trung Quốc đang leo thang đến mức độ mới mà một ngày nào đó Đông Nam Á sẽ phải “chọn bên này hoặc bên kia”.

Theo giới phân tích, những nền kinh tế nhỏ hơn tại châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã tìm cách cân bằng quan hệ với mỗi quốc gia, nhằm gặt hái lợi ích từ trao đổi thương mại với Trung Quốc, trong khi dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đặt ra tình huống khó xử, khi mà các quốc gia sẽ phải lựa chọn hợp tác với bên nào. Trong khi đó, rào cản thuế quan của Mỹ cũng đang gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản phẩm đã được thiết lập trong khu vực này. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, APEC phải củng cố đoàn kết và khẳng định vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn.

Trước những nghi ngại cho rằng, cạnh tranh Mỹ - Trung gây chia rẽ các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam - chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 - đã khẳng định, các nước thành viên tin tưởng APEC vẫn là một diễn đàn quan trọng, có quy mô lớn nhất ở khu vực. Theo Phó Phát ngôn viên Nguyễn Phương Trà, việc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26 không ra được Tuyên bố chung là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, triển khai cam kết của các lãnh đạo cấp cao tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, trong đó có các vấn đề như là kết nối kinh tế toàn diện, thúc đẩy kinh tế số hay tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đóng góp vào tiến trình hợp tác kinh tế của APEC, để cơ chế này có thể đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu.